Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:21 GMT+7

Tin hoạt động

Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ: Tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ

02/12/2016

Vừa thiếu vừa yếu

Tại hội thảo khoa học “Thực trạng và nhu cầu đổi mới công nghệ trong các DN CNHT Việt Nam” do Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia tổ chức ngày 10/8, ông Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - cho biết: Việt Nam hiện mới có 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Con số này chỉ chiếm 0,03% trong tổng số DN đang đăng ký hoạt động. Hơn nữa, các DN chủ yếu tham gia ở những công đoạn với công nghệ giản đơn, giá trị gia tăng thấp. Ví dụ, trong ngành Dệt may, chỉ tập trung ở các sản phẩm như: Cúc, xốp đựng, đệm bông, nhựa cài, chỉ, dây khóa, băng chun, băng dính. Các khâu tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: Sản xuất sợi, chất trợ nhuộm, in hoa… còn phụ thuộc nhập khẩu. Hay trong ngành Da giày, chất lượng da sống, da tổng hợp, da nhân tạo trong nước cũng không đáp ứng được yêu cầu. Ngành Thiết bị điện - điện tử nhiều năm nay vẫn chỉ loay hoay với việc gia công và chủ yếu là nguyên liệu nhập khẩu.

Ông Trương Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội DN ngành CNHT TP. Hà Nội - cho hay, CNHT sẽ là bài toán căn cơ để giải quyết tình trạng nhập siêu của Việt Nam cũng như tạo sức hút để thu hút đầu tư quốc tế, đặc biệt là các DN Nhật Bản và các nước có nền công nghiệp tiên tiến, hiện đại trên thế giới… Tuy nhiên, theo số liệu ước tính tình hình sản xuất các sản phẩm CNHT thuộc các ngành của Việt Nam tỷ lệ nội địa hóa đạt thấp như: Chế tạo ô tô, chỉ đạt khoảng 5-20%; điện tử, khoảng 5-10%; da giày, dệt may 30%; cơ khí chế tạo, khoảng 15-20%.

Tương ứng là hàng năm, khối lượng linh, phụ kiện cần nhập khẩu về Việt Nam để lắp ráp, chế tạo, sản xuất ở mức hàng chục tỷ USD, trong đó riêng sản phẩm nhập khẩu thuộc ngành Điện tử và ôtô vào khoảng 22 tỷ USD. “Nếu Việt Nam tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT sẽ tạo ra hàng nghìn nhà máy mới, tạo ra hàng triệu việc làm và giá trị gia tăng rất lớn cho nền kinh tế quốc dân” - ông Hải nhấn mạnh.

Cấp thiết đổi mới công nghệ

Ông Tạ Việt Dũng khẳng định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các DN CNHT trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh ngày càng cao, do có nhiều nhà cung ứng toàn cầu có lợi thế cao về công nghệ và khả năng cung ứng với giá thấp, khối lượng lớn, đặc biệt là các nhà cung ứng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hiệp định TPP cũng quy định hàm lượng xuất xứ hay hàm lượng nội địa hóa trong sản phẩm ít nhất 60% mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Do đó, các DN CNHT trong nước phải luôn tích cực thay đổi mô hình phát triển, lấy đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn theo nhu cầu khách hàng làm căn cứ. Nói cách khác, DN cần phải lựa chọn và đầu tư công nghệ phù hợp với sản phẩm và thị trường mục tiêu. Bên cạnh đó, nhà nước cần có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ năng lực đổi mới công nghệ trong DN CNHT như chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực...

Đồng quan điểm, ông Trương Hoàng Hải cũng cho rằng, cần tập trung nguồn lực quốc gia để thúc đẩy hỗ trợ các DN vừa và nhỏ Việt Nam trong ngành CNHT. Đặc biệt, là các DN tư nhân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong nước, vốn ODA, vốn vay ưu đãi thương mại khác để các DN vay vốn đầu tư công nghệ, máy móc trang thiết bị mới, nhà xưởng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực… để sản xuất các sản phẩm CNHT có giá trị cao.

Ông Trương Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội DN ngành CNHT TP. Hà Nội:

Các DN CNHT Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tham gia vào chuỗi sản xuất CNHT toàn cầu. Bởi các sản phẩm của DN Việt Nam chưa có đầu ra, vốn kém, công nghệ máy móc lạc hậu.