Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:47 GMT+7

Tin hoạt động

Ninh Thuận: Cần phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo

30/09/2016

Các nguồn năng lượng như thủy điện và nhiệt điện đã được khai thác rất nhiều nhưng áp lực đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ nhu cầu ngày càng lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đó, phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời tại những địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như Ninh Thuận là phương án và hướng đi đúng đắn để bảo đảm sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, đồng thời phát triển kinh tế xanh và thúc đẩy phát triển bền vững.

Lợi thế của Ninh Thuận trong phát triển năng lượng tái tạo là rất lớn, đặc biệt đối với phát triển điện gió và điện mặt trời. Ninh Thuận có 14 vùng gió tiềm năng với tổng diện tích khoảng 8.000 ha tập trung ở các khu vực ít bão (3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc), lượng gió thổi đều, tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,1m/s, mật độ gió từ 400-500W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời lớn nhất trên cả nước do có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài, lượng bức xạ mặt trời nhận được lớn và đồng đều trong cả năm, số giờ nắng trung bình khoảng 2.600-2.800 giờ/năm.

Tuy nhiên, hiện tại ở Ninh Thuận mới chỉ có 3 dự án năng lượng tái tạo đã được khởi công là các dự án nhà máy điện gió Công Hải, Trung Nam và Mũi Dinh. Các dự án triển khai đều chậm với kế hoạch cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư. Nguyên nhân cốt lõi của thực trạng này là do Ninh Thuận chưa có chính sách cụ thể, nhất quán trong phát triển năng lượng tái tạo và giá bán điện chưa hợp lý và chưa đạt được sự đồng thuận từ các nhà đầu tư.

Để khuyến khích Ninh Thuận phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng, ông Nguyễn Văn Bình đã đề nghị Bộ Công Thương và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận sớm xây dựng đề án thực hiện chính sách thí điểm về giá điện gió, điện mặt trời và nhanh chóng đệ trình lên Chính phủ phê duyệt. Những chính sách này không chỉ có vai trò như kim chỉ nam cho sự phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh mà còn góp phần khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư và đưa các dự án đã đăng ký vào hoạt động, góp phần giải quyết vấn đề an ninh năng lượng cho đất nước.