Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:19 GMT+7

Tin hoạt động

Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam - năm 2016

15/08/2016

Theo báo cáo, tình hình thực hiện kế hoạch khuyến công 6 tháng đầu năm 2016 của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã đạt được các kết quả cụ thể: kinh phí khuyến công địa phương tổ chức đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho 331 lao động, đạt 19% kế hoạch, giải ngân 74 triệu đồng, đạt 5% kế hoạch; đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự cho 369 người, giải ngân 412 triệu đồng, đạt 20% kế hoạch; tổ chức trình diễn được 5 mô hình trình diễn kỹ thuật; hoàn thành hỗ trợ 59 cơ sở CNNT chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, giải ngân được 9,2 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch; tổ chức hỗ trợ gần 130 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ trong nước, giải ngân được 632 triệu đồng, đạt 10% kế hoạch; chương trình tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT được hỗ trợ 164 triệu đồng để hỗ trợ tư vấn trong lĩnh vực marketing cho một số cơ sở CNNT; chương trình cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công đã giải ngân được 1,05 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động tư vấn và phát triển công nghiệp cũng đã tư vấn cho 244 dự án, với doanh thu ước đạt 2,8 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch.

 Theo đánh giá chung, hoạt động khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công giai đoạn, trên cơ sở cụ thể hoá kế hoạch bằng các dự án, đề án. Nội dung hoạt động  khuyến công cụ thể, rõ ràng  phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng; Chương trình khuyến công đã hỗ trợ khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ; kế hoạch khuyến công quốc gia được Cục Công nghiệp địa phương giao cho các địa phương tổ chức thực hiện ngay từ những tháng đầu năm 2016 nên việc triển khai thực hiện đến các đơn vị thụ hưởng được thuận lợi.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác khuyến công các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng vẫn còn  một số hạn chế và tồn tại, cụ thể: Số cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký tham gia chương trình khuyến công vẫn chưa tương xứng với tình hình hoạt động công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Vẫn còn nhiều các cơ sở công nghiệp nông thôn chưa hiểu rõ về chính sách khuyến công hiện hành, chưa mạnh dạn tham gia vào hoạt động khuyến công; một số địa phương vẫn còn đề án khuyến công phải điều chỉnh, phải ngừng thực hiện hoặc chuyển sang năm sau. Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ. Chưa có các đề án mang tính liên tỉnh, liên vùng, có tính lan tỏa; kinh phí bố trí cho công tác khuyến công còn hạn chế. Hoạt động khuyến công chưa huy động được nguồn tài trợ đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội mà chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước. Do vậy, kinh phí khuyến công chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Ngô Quang Trung nhấn mạnh, để khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch khuyến công được giao của năm 2016 các Sở Công Thương cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đề án khuyến công, đảm bảo hoàn thành các đề án khuyến công được giao đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ; tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ khuyến công giữa các đơn vị thuộc Sở Công Thương và các phòng ban tại các huyện trong địa phương; hoạt động khuyến công cần bám sát theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và chỉ đạo của địa phương trong đó đặc biệt quan tâm tới việc tạo điều kiện, phục vụ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; Sở Công Thương các Trung tâm khuyến công tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương để đề xuất ban hành, sửa đổi hoặc bổ sung cho phù hợp. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công ở các trung tâm, các huyện; ưu tiên sử dụng cán bộ có năng lực, tâm huyết với công việc, hạn chế việc luôn chuyến cán bộ thực hiện công tác khuyến công trừ các trường hợp thực hiện theo quy hoạch của địa phương. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền  về chương trình khuyến công; thực hiện nghiêm túc chế độ thống kê, củng cố cơ sở dữ liệu, báo cáo định kỳ về Bộ Công Thương (qua Cục CNĐP) và UBND cấp tỉnh về tình hình thực hiện chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương theo quy định.