Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:03 GMT+7

Sản xuất bền vững

Gia tăng giá trị lúa gạo nhờ sản xuất sạch hơn

09/05/2017

Tiết kiệm hơn 1 triệu kWh điện/năm

Trong 4 năm qua, Dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các-bon thấp” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ đã thực hiện đánh giá sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho 16 nhà máy chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê.

Theo ông Phạm Văn Tỏ, Phó Trưởng phòng Phòng Kỹ thuật và Xây dựng cơ bản (TCty Lương thực Miền Nam), đã có tổng cộng 8 đơn vị thành viên của TCty tham gia thực hiện thí điểm tiết kiệm năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng là mối bận tâm của TCty Lương thực Miền Nam từ nhiều năm qua vì điện năng chiếm tới 20-35% chi phí sản xuất. Đây là một chi phí rất lớn, và nếu chỉ cần tiết giảm được một vài phần trăm lượng điện tiêu thụ, TCty cũng đã có thể tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.

TCty Lương thực Miền Nam đã từng triển khai nhiều giải pháp về công nghệ, thiết bị theo hướng tiết kiệm điện và chuyển đổi việc sử dụng nguồn nhiên liệu từ dầu hoặc than sang sử dụng trấu rời sẵn có trong quá trình xay xát lúa. Năm 2013, TCty bắt đầu tiếp cận Dự án về sử dụng hiệu quà tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

Kết quả đạt được rất khả quan, các đơn vị đã tiết kiệm được tổng cộng 983.764 kWh điện (912.254 kWh điện trong sản xuất và 71/510 kWh điện trong sinh hoạt), tổng giá trị tiết kiệm là hơn 1,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là hiệu quả không nhỏ về mặt môi trường vì áp dụng sản xuất sạch hơn góp phần làm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính thích ứng với BĐKH. Với kết quả đó, TCty Lương thực Miền Nam sẽ tổ chức phổ biến, triển khai đại trà ra tất cả các đơn vị còn lại.

Thống kê của dự án cho thấy trong 4 năm qua, 16 nhà máy chế biến gạo và 10 Cty chế biến cà phê, khi thử nghiệm các giải pháp sản xuất sạch hơn, đã tiết kiệm được 1,08 triệu kWh điện/năm, tương đương với 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2/năm.

Tận dụng phế phẩm

Những nghiên cứu, đánh giá của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án, cho thấy, trong ngành sản xuất lúa gạo ở nước ta nói riêng, trồng trọt nói chung, còn rất nhiều khâu có thể gia tăng giá trị nếu áp dụng các biện pháp sạch hơn thông qua những giải pháp công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

Trong khâu chế biến lúa gạo, nếu tận dụng được nguồn tro trấu, sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động các bon đến môi trường. Khảo sát mới đây của Nhóm năng lượng thuộc Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tại 7 nhà máy xay xát gạo ở ĐBSCL, cho thấy, vỏ trấu do các nhà máy này có được trong quá trình xay xát đang được sử dụng làm chất đốt dưới các dạng viên nén, củi trấu và trấu rời, tuy nhiên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Trong khi đó, nguồn tro trấu sau khi đốt hết vỏ trấu lại chưa được sử dụng. Nếu quá trình đốt trấu có kiểm soát để tạo ra tro silica vô định hình (ASA) sẽ có thể sử dụng làm phụ gia bê tông, thay thế xi măng… Khi ấy, thay vì phải tốn khoảng 20 USD/tấn để đổ đi, nguồn tro silica vô định hình có thể được bán với giá 200-600 USD/tấn.

Còn theo ông Lê Viết Vinh (Cty Viết Hiền, Đăk Lăk), sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, vỏ cà phê… làm nguyên liệu trong công nghệ đốt nhiệt phân đem lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường.

Với sự hợp tác và hỗ trợ của một số tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước như UNIDO, Sofies, VNCPC…, ông Vinh đã xây dựng được lò đốt nhiệt phân tại cơ sở của mình. Sử dụng vỏ trấu làm nguyên liệu, dưới tác động cháy của công nghệ Flox (công nghệ cháy không có ngọn lửa), nhiệt độ đạt được rất cao trong buồng đốt, đảm bảo một sự cháy hoàn toàn nên hạn chế tối đa mức xả thải các khí độc hại như CO và Nox.

Bên cạnh đó, khí nóng thu được sử dụng cho sấy cà phê rất hiệu quả, đạt chất lượng tốt. Vỏ trấu sau khi cháy hết trở thành than sinh học, khi sử dụng trong trồng trọt sẽ giúp cải thiện độ tơi xốp của đất và có khả năng giữ nước cao, đồng thời rất thân thiện với môi trường. Trong mùa mưa vừa qua, hệ thống đốt nhiệt phân của Cty Viết Hiền đã hoạt động thử nghiệm rất có hiệu quả ở HTX Bình Minh (Đăk Lăk).