Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:47 GMT+7

Tin hoạt động

Tạo thói quen tiết kiệm năng lượng

16/01/2017

Còn nhiều rào cản

Sau khi khảo sát việc sử dụng năng lượng tại hơn 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Lưu Văn Thành, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương) nhận thấy việc tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các doanh nghiệp hiện nay chưa đồng bộ. Những doanh nghiệp làm tốt việc TKNL chưa nhiều, phần lớn tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Một trong những khó khăn lớn khiến các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt việc TKNL là do kinh phí để đổi mới công nghệ, lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại rất lớn”, ông Thành nói.

Theo đại diện một doanh nghiệp chế biến gỗ ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng), trung bình mỗi năm doanh nghiệp này sử dụng hơn 4.000 kWh điện và hơn 300 tấn than cho các lò sấy. Mới đây, một đơn vị tư vấn của Nhật Bản đã về giới thiệu một dây chuyền sản xuất mới giúp công ty tiết kiệm được khoảng 20% chi phí sử dụng điện và than. Chi phí để lắp đặt dây chuyền này khoảng 12 tỷ đồng. “Số tiền này không nhỏ nên trước mắt chúng tôi chỉ có thể thay thế dần một số thiết bị tiêu hao nhiều điện năng, cải tiến một số máy móc quá cũ, rồi sau đó mới tính tiếp”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Để TKNL hiệu quả, doanh nghiệp cần quan tâm kiểm toán năng lượng, thành lập bộ phận chuyên làm nhiệm vụ này. Đây là bộ phận có khả năng đánh giá thực trạng hoạt động hệ thống năng lượng của doanh nghiệp, từ đó xác định những khâu sử dụng năng lượng lãng phí hoặc chưa hiệu quả để đề xuất các giải pháp tiết kiệm. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp thành lập được bộ phận này không nhiều. Nguyên nhân do doanh nghiệp sợ phải công khai quy trình sản xuất, thông tin kỹ thuật máy móc hoặc sợ lộ bí mật công nghệ… Thêm vào đó, nếu ứng dụng các giải pháp TKNL, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí ban đầu lớn, mất nhiều thời gian. Ngoài ra còn phải thay đổi thói quen làm việc, quy trình sản xuất, đổi ca, đổi giờ…

Việc tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp TKNL chưa được thực hiện hiệu quả. Ý thức TKNL ở một số doanh nghiệp chưa cao. Nhiều doanh nghiệp vẫn có tư tưởng trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước. Số lượng doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư lắp đặt các thiết bị để tăng khả năng TKNL không nhiều…

Cần làm ngay

Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định sẽ hạn chế tối đa việc thu hút các doanh nghiệp ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều năng lượng, ưu tiên thu hút doanh nghiệp công nghệ cao. Điều đó cho thấy ngay từ chính sách thu hút đầu tư, tỉnh đã quan tâm phát triển ngành công nghiệp TKNL.

Theo ông Trần Vân Hà, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty CP Bia Hà Nội – Hải Dương, lực lượng cán bộ kỹ thuật luôn là chủ công trong quản lý và sử dụng năng lượng hợp lý, tiết kiệm. Doanh nghiệp đã sử dụng nhiều thiết bị đo đếm điện thông minh và thiết lập một mạng giám sát để có thể kiểm soát được mức độ tiêu hao điện năng đến từng ca, từng tổ và từng máy sản xuất. Thông qua máy tính kết nối, người quản lý có thể giám sát được mức tiêu hao điện năng của từng khu vực và công đoạn sản xuất để nhìn tổng quan về mức độ tổn thất năng lượng của toàn doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh hợp lý nhằm nâng cao khả năng tiết kiệm điện năng.

“Mỗi công nhân, lao động cũng cần rèn luyện ý thức TKNL”, ông Yoshinori Ukai, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam cho biết. Ngay từ khi vào làm việc, mỗi công nhân của công ty đều được học cách để thực hiện quy chuẩn “5R” của doanh nghiệp. “5R” bao gồm nhiều nội dung, trong đó có cả việc tiết kiệm trong sản xuất và sinh hoạt. “Từ những việc làm nhỏ như vậy chúng tôi muốn xây dựng một doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, bền vững, bảo vệ môi trường”, ông Yoshinori Ukai nói.

TKNL cần được coi trọng bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tác động đến môi trường. Năm 2017, Sở Công thương sẽ triển khai nhiều buổi hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sản xuất sạch hơn. Hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát đo đạc, phân tích, tư vấn kiểm toán năng lượng. Đồng thời, chủ động tìm kiếm các nguồn vốn và hình thức đầu tư ưu đãi giúp các doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng các giải pháp TKNL. Tiếp tục triển khai việc nâng cao khả năng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong sản xuất… Theo ông Lưu Văn Thành, quan trọng là ý thức TKNL của mỗi doanh nghiệp mới quan trọng. Việc TKNL cần trở thành thói quen trong mỗi doanh nghiệp.