Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:27 GMT+7

Tin hoạt động

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Khoa học và công nghệ là động lực phát triển công thương

26/12/2016

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh cùng toàn thể đại diện các đơn vị Bộ Công Thương, các viện nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực KH&CN.

Theo báo cáo, trong thành tích chung của ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2015 đã có những đóng góp xứng đáng của khoa học và công nghệ, của đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác khoa học và công nghệ. Hoạt động khoa học và công nghệ ngành công thương giai đoạn 2011-2015 đã bám sát các yêu cầu, định hướng phát triển của Đảng, Chính phủ và của ngành, góp phần thực hiện tốt các yêu cầu và mục tiêu phát triển của ngành công thương.

Tuy vậy, trong thời gian qua, tình trạng tụt hậu về khoa học, công nghệ so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới vẫn chưa được khắc phục; hoạt động khoa học, công nghệ chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp đổi mới. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động khoa học, công nghệ còn khó khăn; đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao.

Định hướng phát triển công nghiệp trong thời kỳ tới là ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực: chế biến nông, lâm, thủy sản; điện tử, viễn thông; năng lượng mới và tái tạo; cơ khí chế tạo và hóa dược; điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển có chọn lọc công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hoá chất, công nghiệp quốc phòng; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp dược... phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ; chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vật liệu mới đi đôi với áp dụng sản xuất sạch hơn, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đối với ngành Công Thương, chúng ta luôn xác định khoa học, công nghệ vừa giữ vai trò then chốt, vừa là nền tảng, động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh và bền vững đất nước nói chung và cho ngành Công Thương nói riêng.

Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, công nghệ được xem là công cụ chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững, là bí quyết để mỗi quốc gia phát triển và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, trong Văn kiện Đại hội XII, đã bổ sung vào hai chữ “thực sự” trước cụm từ “là quốc sách hàng đầu”, Đảng ta muốn nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển khoa học, công nghệ, đặt ra yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ của đất nước lên một tầm cao mới, khắc phục những yếu kém trong thời gian qua, coi đây là công việc trọng yếu và thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Điều đó cũng có nghĩa là mọi chủ trương, chính sách phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ Tổ quốc đều phải dựa vào khoa học, công nghệ và thực hiện bằng khoa học, công nghệ; khoa học, công nghệ phải đứng hàng thứ nhất và đi trước một bước trong mọi chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng.

Cuối cùng, đại diện Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho triển khai một số chương trình phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện cho các bên cung-cầu có điều kiện mua-bán công nghệ, góp phần đẩy nhanh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu…