Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:20 GMT+7

Tin hoạt động

“Chiến lược công nghiệp suốt 30 năm qua đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử”

01/12/2016

Sáng ngày 25/11, Hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển” do Ban Kinh tế Trung ương, Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam tổ chức diễn ra tại Hà Nội.

Việt Nam chưa có nền tảng trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Theo đánh giá của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là Công nghiệp 4.0 dự báo sẽ là một xu thế lớn có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, từng khu vực, và toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện trên các khía cạnh chủ yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia như về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động…Trên phạm vi toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp này đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Bình ghi nhận, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, công nghệ sản xuất đã có bước thay đổi về trình độ theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế tạo, chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm dần, cơ cấu xuất khẩu sản phẩm công nghiệp được chuyển dịch theo hướng với hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, điển hình như: tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế còn thấp; tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP còn cách khá xa so với các nước trong ASEAN, năng suất lao động thấp. Sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn thấp. Trình độ khoa học - công nghệ của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo chưa cao.

“Nhìn chung, việc tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đã đề ra”, ông Nguyễn Văn Bình nhận xét.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thời cơ

Góp tham luận, PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP.HCM đánh giá, nhiều thách thức nhưng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng chính là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt, tranh thủ để tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Theo phân tích của ông Đạt, chiến lược công nghiệp của Việt Nam trong hơn 30 năm qua thể hiện rõ là chiến lược công nghiệp với ba chương trình kinh tế lớn: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Chiến lược công nghiệp trên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vì đã giải quyết được bức xúc về đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh khó khăn, phù hợp cho giai đoạn tăng trưởng và giảm nghèo. Tuy nhiên tiếp tục duy trì sẽ không còn phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Trong thời gian qua các chính sách công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp năng lượng… chưa thật sự mang lại các kết quả như mục tiêu đã đề ra. Chính vì vậy, dường như chúng ta lúng túng vì chưa có chiến lược công nghiệp bài bản”, ông Huỳnh Thành Đạt nhận định.

Do đó, theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thời cơ để chúng ta xây dựng chiến lược công nghiệp mới gắn với các đặc trưng của nó.

Theo đó, Chính phủ cần xây dựng các chương trình mục tiêu công nghiệp cho giai đoạn cất cánh nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ.

“Đây là các yếu điểm của cấu trúc công nghiệp hiện nay của Việt Nam dẫn đến vấn đề nhập siêu lớn mặc dù Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hầu như tất cả những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, cộng với lượng kiều hối lớn nhưng vẫn không bù đắp phần nhập siêu. Điều cần thiết của giải pháp này là tập hợp các chuyên gia trong nước và quốc tế lên danh mục chi tiết các sản phẩm công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao cho giai đoạn cất cánh nền kinh tế để thí điểm thực hiện chiến lược tái cấu trúc công nghiệp”, ông Đạt góp ý.