Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An là đơn vị duy nhất Bắc miền Trung được Bộ Công Thương cấp phép tham gia xuất khẩu gạo. Có được kết quả này là do Tổng công ty đã kịp thời đổi mới dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất. Cụ thể, Tổng công ty đã thay thế dây chuyền sản xuất phân bón bằng công nghệ hóa lỏng u rê và tạo hạt bằng hơi nước và tự động hóa, trị giá 80 tỷ đồng. Dây chuyền này giúp tăng công suất lên hàng chục lần, giảm sức lao động trực tiếp, cải thiện chất lượng sản phẩm với các hàm lượng trong sản phẩm ổn định, độ đồng đều, chính xác và kết tinh cao, giảm độ ẩm từ 8% xuống còn 2,5%, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, Tổng công ty còn đầu tư lắp đặt hệ thống xay xát công suất 10 tấn/h, bao gồm các công đoạn xay xát, làm sạch, đánh bóng, tách màu, tạo sự đồng nhất của sản phẩm gạo. Hiện nay, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An trở thành một trong những đơn vị tiên phong đổi mới dây chuyền thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ mới của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An.
Theo chia sẻ của ông Trương Văn Hùng – Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An thì việc đầu tư đổi mới dây chuyền, thiết bị đã giúp công ty tạo ra sản phẩm tốt, được thị trường đón nhận. Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đều tăng, hiện tại doanh thu đạt hơn 2.000 tỷ đồng; 120 – 150 tỷ đồng lợi nhuận/năm.
Tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, doanh nghiệp đã trải qua các thời kỳ sử dụng công nghệ sản xuất khác nhau: từ thủ công sang công nghệ Trung Quốc, Liên Xô và Đông Âu và nay là công nghệ Ấn Độ và Đài Loan. Hiện 75% sản phẩm của công ty phục vụ cho xuất khẩu.
Tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, việc đổi mới công nghệ được dựa trên cơ sở kế hoạch và có bước đi phù hợp với nguồn lực tài chính của doanh nghiệ và gắn với chiến lược phát triển và thị trường mà doanh nghiệp “nhắm” đến. Ông Hồ Viết An, Tổng Giám đốc công ty, cho biết: Không chỉ đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến, công ty còn có ý thức đổi mới công nghệ kể cả giống, khâu trồng, chăm bón và thu hoạch 100% bằng máy. Theo chiến lược đổi mới công nghệ, công ty cũng đang xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư một nhà máy sản xuất chè cung cấp cho thị trường thế giới.
Trong tương lai, để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ tại những doanh nghiệp còn khó khăn trên địa bàn, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh sẽ tích cực làm khâu trung gian tiếp nhận thông tin và nhu cầu của doanh nghiệp để có những kiến nghị xác đáng với tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho hoạt động đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp.
Văn phòng CPSI