Theo số liệu Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, qua 7 năm thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2008-2015, tỉnh đã phối hợp thực hiện trên 175 dự án, đề án với kinh phí trên 19 tỷ đồng, gồm các nội dung: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; ứng dụng công nghệ; đào tạo nghề; nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư, sau đầu tư... Các đề án sau khi triển khai đều đạt hiệu quả khả quan, thúc đẩy ngành CNNT của tỉnh phát triển.
Năm 2014 và 9 tháng/2015 từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Tiền Giang đã tổ chức đào tạo nghề cho 230 lao động nông thôn; hỗ trợ “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm sơn tĩnh điện”, công suất 100.000 m2/năm; hỗ trợ đầu tư cho 3 doanh nghiệp, hỗ trợ sau đầu tư cho 2 doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất; tổ chức Hội chợ trưng bày, bán hàng Việt Nam nhân kỷ niệm 230 năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, với 46 doanh nghiệp tham gia, 95 gian hàng trưng bày…
Theo đánh giá chung, các đề án đều được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT. Theo đó, người lao động sau học nghề đều được giải quyết việc làm với thu nhập ổn định, máy móc thiết bị được hỗ trợ phát huy tốt hiệu quả. Thông qua các chương trình, nội dung đã triển khai, công tác khuyến công đã trở thành đòn bẩy giúp các cơ sở CNNT cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo vị thế vững chắc cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế.
Sau nhiều năm thực hiện, hoạt động khuyến công đã có sự đổi mới để phù hợp với tình hình thực tế, phạm vi đối tượng được mở rộng, ngành nghề được hưởng chính sách đa dạng, nội dung phong phú và mức chi hỗ trợ được nâng lên.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Tiền Giang, công tác khuyến công tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Một số đề án được duyệt nhưng trong quá trình triển khai phải đề nghị tạm ngưng do không đảm bảo tiến độ; nội dung hoạt động chưa phong phú, đa dạng; hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp chỉ tập trung giám sát và thiết kế công trình điện do đó nguồn thu còn thấp.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do tình hình sản xuất gặp khó khăn, các doanh nghiệp hạn chế việc đầu tư mở rộng sản xuất nên việc lập đề án cũng không dễ dàng. Đề án khuyến công quốc gia từ khi lập đến lúc được phê duyệt triển khai kéo dài, trong khi doanh nghiệp có nhiều biến động khiến khó triển khai thực hiện như ban đầu…
Để khắc phục những khó khăn trên, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn. Ngoài ra, Sở cũng đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách về hoạt động khuyến công; tăng cường tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất; đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề người lao động, trình độ quản lý của doanh nghiệp, nhất là ở khu vực nông thôn.