Bình Dương hiện có hơn 3.855 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNNT, 66 tổ hợp tác, 16 hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp. Các cơ sở CNNT trên địa bàn tuy có quy mô đầu tư không lớn nhưng được hình thành và phát triển rộng khắp, có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.
Theo Sở Công Thương Bình Dương, những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, nội dung hỗ trợ nhằm tăng số lượng và nâng cao năng lực nội tại cho các cơ sở này.
Riêng với chương trình khuyến công, Bình Dương đưa các cơ sở CNNT vào nhóm đối tượng ưu tiên hỗ trợ. Năm 2015, khuyến công Bình Dương được phê duyệt 2,227 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh sẽ hỗ trợ cho 10 cơ sở CNNT chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường; tư vấn cho 2 cơ sở lập dự án đầu tư, marketing, thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia...
Để tạo thêm mặt bằng sản xuất, khuyến công Bình Dương đã xây dựng đề án hỗ trợ xây dựng đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Tân Mỹ. Đề án này được kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 3 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9, trung tâm đã hoàn thành 70% kế hoạch khuyến công địa phương và hoàn thiện hồ sơ, ký kết hợp đồng khuyến công quốc gia. Dự kiến cuối năm 2015, đề án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp sẽ được nghiệm thu.
Số liệu báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh cho thấy, năm 2014, Bình Dương đã dành nguồn lực lớn cho khuyến công với tổng kinh phí thực hiện 1,614 tỷ đồng. Nguồn vốn khuyến công đã nhận sự quan tâm mạnh mẽ của các cơ sở CNNT khi thu hút tới 10,510 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng.
Theo đánh giá chung, các đề án khuyến công đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng, giúp các cơ sở CNNT trên địa bàn phát triển cả về quy mô và chất lượng.
Tuy nhiên, do đặc điểm là tỉnh công nghiệp phát triển, CNNT chưa được quan tâm đầy đủ. Số lượng tổ hợp tác tương đối nhiều nhưng chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. Các tổ hợp tác hầu hết sản xuất theo mô hình thuần nông, khả năng sản xuất hàng hóa không đồng đều, tiêu thụ khó khăn.
Toàn tỉnh cũng có 123 HTX nhưng chỉ có 16 HTX tiểu thủ công nghiệp. Hàng năm, chính sách khuyến công được triển khai đến cơ quan đầu mối là liên minh HTX nhưng việc thực hiện chi tiết đề án còn nhiều hạn chế. Cơ sở CNNT cũng chưa nắm được cơ chế ưu đãi trong chính sách khuyến công, do đó chưa chủ động tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.
Để khắc phục những bất cập còn tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở CNNT phát triển, Bình Dương sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công; phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng, các địa phương để nắm bắt nhu cầu, khó khăn của cơ sở nhằm xây dựng và thực hiện các đề án hỗ trợ thiết thực hơn.
Trước mắt, trung tâm bám sát các đề án đang triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch đã đăng ký; rà soát kinh phí đã phân bổ, tiến hành điều chỉnh theo đúng nội dung chính sách và nhu cầu thực tế của đơn vị thụ hưởng.
9 tháng năm 2015, khuyến công Bình Dương đã dành 950 triệu đồng hỗ trợ cho các cơ sở CNNT đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất; trên 260 triệu đồng hỗ trợ tham dự hội chợ, triển lãm… |