Theo ông Lê Tự Dũng- Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng năm, khuyến công được phân bổ từ 1,2- 1,5 tỷ đồng từ nguồn khuyến công địa phương và khoảng 800-1 tỷ đồng khuyến công quốc gia. Mỗi năm khuyến công tỉnh cũng thực hiện từ 95-100 đề án, mức hỗ trợ bình quân từ 45-50 triệu đồng/đề án. Năm 2014, Khuyến công Thừa Thiên Huế đã thực hiện 2,1 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2015, cũng đã thực hiện khoảng 2 tỷ đồng, đạt gần 67% kế hoạch.
Thông qua các nội dung triển khai, chương trình khuyến công đã đem lại sự thay đổi đáng kể cho ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh khi khuyến khích được các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đầu tư phát triển sản xuất; hàng năm đào tạo từ 500-800 lao động, giải quyết việc làm cho khoảng 90% lao động sau đào tạo.
Cùng đó, với gần 20 đề án/năm hỗ trợ cho nghề mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, đúc đồng, thêu đan, dệt thổ cẩm, chế biến nông lâm sản... chương trình khuyến công cũng khôi phục và phát triển một số ngành nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Lê Tự Dũng, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 15.600 cơ sở công nghiệp nông thôn, đây là lực lượng chính cho phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, năng lực quản lý cũng khá hạn chế. Điều này tạo sự không ổn định trong quá trình thực hiện đề án, nhất là đề án đầu tư công nghệ cho phát triển sản xuất.
Trong khi đó, đội ngũ công tác khuyến công của tỉnh còn thiếu, hiện chỉ có 6 biên chế, thêm 2 biên chế hỗ trợ của Sở Công Thương. Hệ thống khuyến công viên của tỉnh cũng chưa được hình thành nên chưa thể bám sát, hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở kịp thời…
Trước những khó khăn trên, Khuyến công Thừa Thiên Huế đã chuyên biệt hóa nguồn kinh phí hỗ trợ nhằm tận dụng lợi thế của mỗi nguồn. Với kinh phí khuyến công quốc gia, tỉnh đã tập trung hỗ trợ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhằm giải quyết nhu cầu lao động cho các cơ sở. Hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường.
Nguồn kinh phí khuyến công địa phương của tỉnh được tập trung hỗ trợ các cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới. Một số đề án mang lại hiệu quả cao như: Đầu tư dây chuyền sản xuất kẹo mè xửng, sản xuất gạch không nung, sản xuất chế biến dầu tràm, chế biến thủy hải sản...
Được biết, để tiếp tục khắc phục khó khăn, đồng thời nâng cao chất lượng cho công tác khuyến công, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục xây dựng đề án bổ sung bộ máy nhân sự, tham mưu thành lập 2 chi nhánh khuyến công ở Bắc và Nam Sông Hương, thí điểm mô hình khuyến công viên nhằm đưa hoạt động khuyến công về sát cơ sở.
Tỉnh cũng thường xuyên theo dõi quá trình triển khai thực hiện đề án của các cơ sở và tổ chức nghiệm thu đúng quy định; đôn đốc báo cáo định kỳ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc của cơ sở; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực khuyến công để thuận tiện cho tổ chức và cá nhân thực hiện đề án khuyến công.