Đổi mới công nghệ tiêu hao ít điện năng
Khảo sát của Sở Công Thương cho thấy, để hạn chế sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, giải pháp được các DN quan tâm thực hiện trong thời gian qua là tính toán, bố trí quy trình sử dụng điện hợp lý, sử dụng các thiết bị tiêu hao điện ít hơn. Một số DN mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ. Thực tế sản xuất từ Nhà máy Thép Pomina 3, KCN Phú Mỹ I (huyện Tân Thành) là một ví dụ. DN này đã mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu USD xây dựng hệ thống nhà máy tự động bằng công nghệ mới nhất của châu Âu, giúp tiết kiệm nhiên liệu đáng kể trong quá trình sản xuất. Đồng thời, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Pomina 3 đã xây dựng hệ thống lọc khí, bụi và nước thải hiện đại, khép kín. Theo đó, tất cả các khí thải và bụi rắn trong quá trình sản xuất đều đi qua hệ thống lọc khí này và được giữ lại tại đây. Riêng nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn để tái sử dụng, không thải ra môi trường. Hiện tại nhà máy luyện thép xây dựng Pomina 3 với dây chuyền mới chỉ tiêu hao điện năng 350kWh/tấn, trong khi chỉ số tiêu hao điện của các nhà máy luyện thép khác ở Việt Nam hiện nay là 600kWh/tấn. Con số này cho thấy khả năng tiết kiệm điện vượt trội của Pomina 3, mỗi năm nhà máy này tiết kiệm được 70 triệu kW điện.
Kết quả kiểm tra hàng năm của Sở Công Thương cũng cho thấy, những DN sử dụng nhiều năng lượng hiện đã áp dụng quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất để chống tổn thất điện năng. Cụ thể, để tiết kiệm điện, nhà máy nhựa và hóa chất Phú Mỹ (huyện Tân Thành) thay đổi toàn bộ đèn loại 250W thành đèn Compac 80W, đồng thời lắp biến tần cho các loại bơm, quạt… Với giải pháp này, mỗi năm DN tiết kiệm được 1.600W, tương đương hơn 2 tỷ đồng tiền điện.
Hay như tại Công ty CP May Xuất khẩu Vũng Tàu, KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu), mỗi tháng tiết kiệm được 30-40% sản lượng điện so với trước đây, chi phí tiền điện từ 60 triệu đồng/tháng giảm còn 50 triệu đồng/tháng bằng việc thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng đèn compact, đèn Led, đổi mới toàn bộ máy may điện tử theo dạng cơ động, gắn thiết bị tiết kiệm điện vào tất cả các máy may. Ngoài ra, thay vì dùng máy lạnh, xung quanh tường bao của công ty đều được lắp đặt hệ thống làm mát tự động với công nghệ của Hoa Kỳ phun hơi nước và quạt vào trong xưởng sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Vũng Tàu, đây là giải pháp giúp DN giảm chi phí sản xuất, giá thành trong mỗi sản phẩm, nhất là khi giá điện tăng cao như hiện nay.
Tăng cường nhiều giải pháp tiết kiệm điện
Để đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả các chương trình tiết kiệm năng lượng, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Công ty Điện lực BR-VT triển khai tuyên truyền, quảng bá sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thay đèn sợi đốt bằng đèn compact… Các Điện lực huyện, thành phố phối hợp với cơ quan đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh… tuyên truyền tiết kiệm điện từ mỗi hộ gia đình. Tính riêng 7 tháng năm 2015, toàn tỉnh đã tiết kiệm gần 37 triệu kWh. Trong đó, khối công nghiệp - xây dựng tiết kiệm được hơn 24 triệu kWh; khối sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ tiết kiệm được hơn 5 triệu kWh; khối chiếu sáng công cộng tiết kiệm hơn 1 triệu kWh; khối hành chính sự nghiệp tiết kiệm hơn 1 triệu kWh. Với mục tiêu tiết kiệm ít nhất 2,1% điện thương phẩm, phấn đấu đạt kế hoạch đề ra trong năm 2015 tiết kiệm hơn 59 triệu kWh, Sở Công Thương đang tích cực phối hợp với Công ty Điện lực BR-VT và Sở, ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các giải pháp tiết kiệm điện theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm; phổ biến tới toàn thể cán bộ, nhân viên và triển khai trực tiếp thực hiện tiết kiệm điện ngay tại các trụ sở cơ quan và gia đình.
Ông Trần Lâm, Phó phòng Quản lý Năng lượng (Sở Công Thương) cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương và Công ty Điện lực BR-VT đề ra kế hoạch tiết kiệm ít nhất 30 triệu kWh điện. Để đạt được mục tiêu này, Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực BR-VT tổ chức phát động thực hiện chương trình thi đua “Gia đình tiết kiệm điện năm 2015”, tuyên truyền trực tiếp đến 70.800 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn tỉnh để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng điện, thúc đẩy các hoạt động sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong đời sống của mỗi gia đình và toàn xã hội. Đối với các DN sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh, tới đây Sở sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, vận hành hệ thống năng lượng trong các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung hướng dẫn quy định đối với DN sản xuất công nghiệp theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giới thiệu hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO50001, quy trình thực hiện kiểm toán năng lượng; giải pháp và công nghệ mới về hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm trong ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai dự án hỗ trợ nông dân sử dụng 100.000 bóng đèn Compact 20W tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp trồng thanh long cho hoa trái vụ… Đồng thời, hướng dẫn các hộ nông dân trồng thanh long sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí tiền điện. “Thông qua kết quả các hoạt động truyền thông hội nghị, hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích các hộ nông dân sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện trong sinh hoạt; góp phần tiết kiệm điện từ 60-70% sản lượng điện chiếu sáng so với sản lượng điện chiếu sáng của bóng đèn sợi đốt” - ông Trần Lâm cho hay.