Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 15/11/2024 | 11:54 GMT+7

Tin hoạt động

Tổ hợp silo bảo quản chè đen hiệu quả

22/11/2016

Việt Nam hiện có khoảng 135.000 ha diện tích trồng chè, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 105.000 ha. Chè của Việt Nam đã có mặt tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, chè đen chiếm đến 80% sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, việc bảo quản chè đen rất khó khăn do loại chè này rất mẫn cảm với nhiệt độ, độ ẩm môi trường lớn tại nước ta. Việc bảo quản chè thường được thực hiện bằng phương pháp thủ công, chất lượng chè không đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Đề tài “Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt” do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch triển khai tại Công ty TNHH MTV Chè Á Châu Phú Thọ nhằm nghiên cứu, chế tạo, lắp đặt thành công hệ thống thiết bị bảo quản chè đen bằng tổ hợp silo quy mô 70 tấn. 

Theo TS Nguyễn Năng Nhượng - Chủ nhiệm đề tài, dây chuyền thiết bị của hệ thống gồm: Tổ hợp silo, là những tháp cao cách nhiệt hai lớp có khả năng cách được nhiệt bên ngoài và thoát được nhiệt từ bên trong ra. Theo thiết kế, các silo có sức chứa 10 tấn chè đen/silo, được làm bằng vật liệu inox Su 304, bên trong bố trí kênh phân phối khí trao đổi nhiệt ẩm; hệ thống thiết bị MAHPD, thiết bị vận chuyển chè đen bằng khí động và tổ hợp Cyclon, thiết bị định lượng và thiết bị phối trộn đồng thể chè, thiết bị cân và đóng bao, hệ thống điện động lực, điều khiển và giám sát trung tâm.

Công nghệ và tổ hợp trên giúp xây dựng quy trình sấy lại, bảo quản, định lượng và phối trộn phù hợp với sản phẩm chè đen. Kết quả cho thấy, chè đen từ nguyên liệu có độ ẩm không đồng đều từ 5,5-7% được giảm xuống mức 3,5-4,5% và duy trì suốt trong quá trình bảo quản. Chi phí bảo quản chè đen theo phương pháp này là 77,8 nghìn đồng/tấn. Trong khi chi phí tương tự theo phương pháp thủ công kết hợp với bán cơ khí là 970 nghìn đồng/tấn. Bên cạnh đó, thiết bị còn giúp giảm tổn thất nguyên liệu chè từ 10-15% so với công nghệ cũ, do đó đã tiết kiệm rất lớn chi phí sản xuất.

Đánh giá về công nghệ này, PGS.TS Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm khẳng định, bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt là một giải pháp công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo tồn được chất lượng chè cao hơn so với các phương pháp sấy nhiệt thông thường. Điều này, đã mang đến cho ngành chè một hơi thở mới, nguồn hy vọng mới, chúng ta sẽ xuất khẩu chè Việt Nam ra thế giới một cách mạnh mẽ hơn.

Văn phòng CPSI