Có thể nói các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình đổi mới công nghệ. Bên cạnh nguyên nhân về chính sách đổi mới công nghệ của nhà nước chưa hấp dẫn, chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải dành nguồn lực nghiên cứu, đổi mới công nghệ thì vấn đề tài chính là điểm mấu chốt khiến doanh nghiệp SME không mấy mặn mà với đổi mới công nghệ. Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp còn bó hẹp, điều kiện hỗ trợ khắt khe, quy trình xét duyệt cứng nhắc và thủ tục rườm rà khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Hướng tiếp cận được nhiều nhà nghiên cứu cho là khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay là tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam để tiếp cận và hấp thu công nghệ của họ. Các bước tiếp cận như sau:
Bước 1: Quan sát và phân tích phí sản xuất trung bình của ngành mình đang hoạt động giữa quốc gia phát triển và đang phát triển. Xác định hướng thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị của những ngành đang dịch chuyển từ nước ngoài sang.
Bước 2: Xác định và thu thập thông tin chi tiết về các doanh nghiệp ở các nước phát triển có nhu cầu di chuyển nhà máy sang các nước đang phát triển. Phân tích kỹ nhu cầu của họ trong việc quyết định đặt nhà máy.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ giới thiệu về các lợi thế của doanh nghiệp mình như có sẵn mặt bằng, lao động, am hiểu luật phát và thiết kế các kịch bản tiếp cận và thuyết phục đối tác hợp tác. Tiếp cận đối tác thông qua các doanh nghiệp thương mại, môi giới thuộc quốc tịch các nước phát triển đang hoạt động tại Việt Nam.
Bước 4: Tiếp cận đối tác và đề xuất hướng hợp tác. Trong quá trình hợp tác, các SME cần có chiến lược tiếp cận nhanh và làm chủ công nghệ, dần dần phát triển hoạt động kinh doanh độc lập.
Bước 5: ký kết hợp tác và thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo thoả thuận.
Để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp SME thì không thể chỉ dựa vào những nỗ lực nội tại của doanh nghiệp mà cần phải có trợ giúp từ nhà nước. Sự trợ giúp này không chỉ ở việc thay đổi cả nhận thức, tư duy của chính các doanh nghiệp mà còn là chính sách, chiến lược đổi mới công nghệ lâu dài. Thiết nghĩ, cần phải có một nghiên cứu khá đầy đủ bao gồm những vấn đề lý luận chung về đổi mới công nghệ, đánh giá hiện trạng đổi mới công nghệ ở Việt Nam để xây dựng lộ trình đổi mới cũng như một số giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ, nhất là việc áp dụng thử nghiệm một số mô hình hỗ trợ đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp.
Văn phòng CPSI