Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước, các liên minh kinh tế trên thế giới sắp có hiệp lực, đang đặt ra cho ngành cơ khí Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức mới. Trong khi đó, ngành cơ khí Việt Nam đang gặp phải rất nhiều khó khăn do công nghệ sản xuất lạc hậu, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu giải pháp công nghệ trong thiết kế chế tạo sản phẩm cơ khí.
Bà Đàm Thị Hồng Lan, Giám đốc, Công ty tư vấn và kinh doanh Vietbay cho biết, qua hợp tác với nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Honda Việt Nam, LG, Samsung SDI, Panasonic, Yamaha Motor Việt Nam, Canon Việt Nam, Công ty cơ khí chính xác Việt Nam 1…, doanh nghiệp dần nhận ra rằng, để giành thị phần và đứng vững trên thị trường cần phải ứng dụng được thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt là công nghệ phần mềm thiết kế, phân tích và gia công sản phẩm. Trong khi đó, nguồn thông tin về thiết bị, công nghệ của các doanh nghiệp còn thiếu. Các doanh nghiệp vẫn chưa tin tưởng vào các thiết bị và công nghệ do các tổ chức trong nước cung cấp vì cho rằng không đảm bảo chất lượng và hoạt động hậu mãi kém.
Để khắc phục những khó khăn mà ngành cơ khí đang gặp phải, ông Trần Ngọc Hà, Tổng giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nhà nước cần có các chính sách về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ về tài chính để giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo một số chuyên gia, Chính phủ cần thúc đẩy triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới sản phẩm, công nghệ. Chính sách nhập khẩu công nghệ cao cũng cần được cân nhắc, đảm bảo tính hệ thống và nhất quán, đồng thời có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các ngành đổi mới công nghệ.
Trong bối cảnh mở rộng thu hút đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tranh thủ hấp thụ công nghệ mới khi các đối tác nước ngoài đem công nghệ tiên tiến vào. Ngoài ra, để thúc đẩy trao đổi thông tin về thiết bị, công nghệ, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần tìm cách “bắc cầu” để các doanh nghiệp trong nước có thể hợp tác chuyển giao những công nghệ thích hợp.
Văn phòng CPSI