Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 16/11/2024 | 13:25 GMT+7

Tin hoạt động

Bắc Giang: “Nới” mức hỗ trợ cho các đề án khuyến công

22/04/2015

Theo đó, mức chi cho các nội dung khuyến công đã được “nới” tối đa. Cụ thể: Mô hình trình diễn kỹ thuật có tổng mức chi phí từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ được hỗ trợ từ 150 đến 300 triệu đồng/mô hình; Các doanh nghiệp thành lập mới tại các địa bàn khó khăn của tỉnh sẽ được hỗ trợ từ 5 lên 10 triệu đồng; Nâng mức hỗ trợ lãi suất tối đa cho cơ sở công nghiệp nông thôn từ mức tối đa 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng/cơ sở…

Số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho thấy, năm 2014, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang (Trung tâm) được giao trên 3,433 tỷ đồng kinh phí khuyến công. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 933,2 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 2,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, Trung tâm đã triển khai 34 đề án, các đề án đều được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả như mong muốn.

Riêng với nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, năm 2014, Trung tâm đã triển khai 11 đề án mang lại hiệu quả đáng kể, có sức khuyến khích lớn đối với cơ sở công nghiệp nông thôn.

Cụ thể, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, Trung tâm đã hỗ trợ cho Công ty Cổ phần Clever (xã Tân Giang, huyện Lạng Giang) xây dựng mô hình kỹ thuật sản xuất gạch không nung. Mô hình có tổng vốn đầu tư 47,11 tỷ đồng, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 233 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Clever cho biết: Sau khi mô hình đạt 100% công suất sẽ sản xuất ra 200 triệu viên gạch/năm, tạo 185 việc làm thường xuyên trong nhà máy với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, gạch không nung sử dụng phế thải công nghiệp như mạt đá, tro bay, xỉ than để sản xuất, góp phần giảm một lượng đáng kể chất thải rắn ra môi trường.

Còn tại Công ty Cổ phần Cơ điện Lục Ngạn, Trung tâm khuyến công tỉnh đã hỗ trợ thực hiện đề án đầu tư xưởng sản xuất giấm từ quả vải với tổng kinh phí đầu tư 590,5 triệu đồng. Kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 80 triệu đồng. Theo đánh giá của doanh nghiệp, mô hình sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào, đồng thời tạo hướng chế biến mới cho quả vải của Bắc Giang.

Trung tâm cũng hỗ trợ cho Hợp tác xã Bình Minh (HTX), huyện Việt Yên đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị trong bảo quản nông sản. Đề án có tổng mức đầu tư 681 triệu đồng, khuyến công địa phương hỗ trợ 80 triệu đồng. Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, HTX đã đầu tư hệ thống kho bảo quản lạnh chất lượng cao, nâng năng lực bảo quản của HTX lên 200 tấn sản phẩm/năm, đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản sau thu hoạch tại địa phương…

Với việc “nới” mức hỗ trợ cho các đề án khuyến công, quy định mới này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công của Bắc Giang./.