Vốn đổi mới công nghệ của doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ một phần hoặc cho vay với lãi suất thấp thông qua các quỹ phát triển KH-CN quốc gia, quỹ phát triển KH-CN địa phương, quỹ khuyến công và quỹ đổi mới công nghệ quốc gia vừa chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2015.
Quỹ phát triển KH-CN quốc gia Tên giao dịch quốc tế của Quỹ: National Foundation for Science and Technology Development NAFOSTED
Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2008. Sau 7 năm hoạt động, Quỹ đã có tác động rất lớn đến nền khoa học công nghệ Việt Nam. Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam thông qua các đề tài do quỹ tài trợ tăng lên với tốc độ trên 20%/năm.
Quỹ áp dụng hai hình thức là tài trợ và cho vay. Đối tượng tài trợ của Quỹ chủ yếu là các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân đề xuất, bao gồm: Nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng hay nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng. Nghiên cứu khoa học đổi mới công nghệ do doanh nghiệp thực hiện; nghiên cứu, đổi mới chuyển giao công nghệ thuộc các chương trình của Chính phủ và một số hoạt động khác. Đối với hạng mục cho vay, Quỹ sẽ cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ với điều kiện doanh nghiệp phải có tư cách pháp nhân độc lập, có dự án KHCN được phê duyệt, tại thời điểm vay vốn không có nợ xấu, đảm bảo vốn đối ứng tối thiếu 30% tổng mức đầu tư và đảm bảo tiền vay. Ngoài ra, Quỹ sẽ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn tại các tổ chức tín dụng thực hiện các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Để làm thủ tục tài trợ, cho vay và bảo lãnh, các doanh nghiệp vào website của Quỹ Phát triển KHCN quốc gia (website: nafosted.vn, nafosted.gov.vn) để tải biểu mẫu đăng ký. Khi đăng ký, DN sẽ gửi một bộ hồ sơ giấy cho Quỹ và một bộ hồ sơ gửi qua email để Quỹ dễ dàng lưu trữ và chuyển cho các chuyên gia đánh giá. Quy trình thẩm định đánh giá xét duyệt sẽ hoàn tất trong vòng 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.
Quỹ phát triển KH-CN địa phươngSau khi Luật KH&CN có hiệu lực thi hành, tính đến nay, cả nước đã hình thành được 35 tổ chức Quỹ phát triển KH&CN, trong đó có 16 Quỹ phát triển KH-CN địa phương đã đi vào hoạt động gồm: Thừa Thiên Huế, Bình Định, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Trị, Lâm Đồng, Kon Tum, Phú Thọ, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bà Rịa Vũng Tàu, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Các Quỹ trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố, hoạt động theo hình thức các đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và các ngân hàng trong và ngoài nước. Vốn ban đầu của các Quỹ không lớn, hầu hết từ trên 1 tỷ đến 10 tỷ đồng, được hình thành từ ngân sách sự nghiệp khoa học, bổ sung từ kinh phí thu hồi của các đề tài dự án hàng năm, các khoản thu từ hoạt động của Quỹ. Ngoài ra, Quỹ có thể được huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách như: các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Một số Quỹ áp dụng cả 2 hình thức tài trợ và cho vay trong khi một số chỉ áp dụng hình thức cho vay với lãi suất thấp (khoảng 50-70% lãi suất ngân hàng thương mại) nhằm bảo toàn vốn như Thanh Hóa, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Tp. Hồ Chí Minh.
Từ việc tiếp cận được nguồn vốn vay từ quỹ nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào hệ thống trang thiết bị, tăng chất lượng và số lượng sản phẩm, từ đó tăng doanh thu hàng năm như doanh Nghiệp Thiết Bảo, Phước Vinh…tại Tp. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Khải Hưng tại Bình Phước, doanh nghiệp chế biến dừa Lương Qưới – Bến Tre…
Quỹ đổi mới công nghệ quốc giaTên giao dịch quốc tế: National Technology Innovation Fund, viết tắt là NATIF
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và Quyết định số 1051/QĐ-TTg ngày 3/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ về Tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Ngày 8/1/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự Lễ ra mắt Quỹ.
Tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với doanh thu và lợi nhuận còn rất khiêm tốn. Quỹ đổi mới khoa học công nghệ ra đời là nỗ lực của Chính phủ trong việc khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong bối cảnh nước ta đang bước vào nền kinh tế thị trường, mở cửa, dỡ bỏ hàng rào thuế quan, dỡ bỏ các rào cản thương mại. Mục đích hoạt động của Quỹ là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam và thúc đẩy thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo thành lập các sản phẩm mới, dịch vụ mới…
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân, Quỹ trước hết là nhằm vào các DN khoa học công nghệ, DN khởi nghiệp, DN được thành lập từ kết quả nghiên cứu của các viện, các trường đại học và những doanh nhân có tinh thần khoa học, có bằng sáng chế, có kết quả nghiên cứu, có giải pháp hữu ích mong muốn đưa vào sản xuất kinh doanh. Nhà nước hỗ trợ thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ, hỗ trợ tiếp thu và ứng dụng kết quả nghiên cứu. Lĩnh vực công nghệ được ưu tiên là công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí tự động hóa. Mức cao nhất mà quỹ hỗ trợ DN tối đa là 30% tổng kinh phí dự án do DN xây dựng, DN phải tự bỏ ra phần còn lại. Tỉ lệ này có thể thay đổi tùy thuộc nội dung của dự án. Nếu dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao thì mới được hưởng tài trợ tối đa. Ngoài ra, Quỹ cũng áp dụng hình thức cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo lãnh vốn vay, định mức và danh mục dự án được vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo lãnh vốn vay.
Sau khi Bộ phê duyệt cho DN được nhận vốn từ quỹ, các đơn vị chức năng của bộ cùng với ban điều hành quỹ sẽ giám sát toàn bộ quá trình sử dụng kinh phí cho dự án của DN. Bộ có đánh giá định kì, đánh giá giữa kì và có thể kiểm tra đột xuất để đảm bảo DN phải thực hiện đúng cam kết. Cuối cùng là bộ sẽ đánh giá nghiệm thu sản phẩm của dự án, những cái nhà nước đã tài trợ thì sản phẩm phải tương ứng, đảm bảo tiêu chí mà hội đồng tư vấn đặt ra cũng như bộ đã yêu cầu.
Quỹ khuyến côngNgày 01/08/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020 theo Quyết định 1288/QĐ-TTg.
Một số nội dụng hoạt động khuyến công có liên quan đến áp dụng công nghệ mới, bao gồm:
- Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn. Công nghệ mới được lựa chọn xây dựng mô hình trình diễn phải vượt trội hơn về năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả so với công nghệ hiện các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn đang áp dụng và là công nghệ cần khuyến khích hỗ trợ đầu tư do cơ quan quản lý chương trình xem xét, quyết định.
- Tư vấn trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc: thành lập doanh nghiệp; liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh; thiết kễ mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới. Đối với hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phải đáp ứng các điều kiện: Công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật được lựa chọn hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng là những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; công nghệ để tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao được năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên; thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao do cơ quan có thẩm quyền quyết định; Hoạt động hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện đúng quy trình, thủ tục và các quy định khác theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Đối với hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Máy móc hỗ trợ ứng dụng là máy móc thiết bị đơn chiếc hoặc cụm thiết bị hoặc nhóm thiết bị cùng loại ứng dụng vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường của cơ sở công nghiệp nông thôn; Máy móc thiết bị tiên tiến được hỗ trợ ứng dụng phải là máy móc thiết bị mới; nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu hoặc giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc tạo ra sản phẩm mới so với máy móc thiết bị cơ sở sản xuất đang sử dụng.
Các văn bản pháp luật cũng quy định một số ngành, nghề được hưởng chính sách khuyến công như: Công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản và chế biến thực phẩm, sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu, công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Sản xuất vật liệu xây dựng; Sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử - tin học. Sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ; Sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp; Khai thác, chế biến khoáng sản tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp.
Trong những năm qua, thông qua các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp các tỉnh, nguồn vốn khuyến công bao gồm vốn khuyến công quốc gia và vốn khuyến công địa phượng đã giúp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất. Điển hình, trong năm 2014, trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Giang đã triển khai 11 đề án mang lại hiệu quả đáng kể, có sức khuyến khích lớn đối với cơ sở công nghiệp nông thôn. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC & XTTM) Thừa Thiên Huế triển khai hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng mỹ nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến để sản xuất các sản phẩm từ mây tre, đầu tư ứng dụng thiết bị tiên tiến mở rộng quy mô sản xuất bún, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất may công nghiệp cho các DNTN Ngọc Long ở xã Vinh An (Phú Vang), cơ sở sản xuất Minh Tâm ở phường Thủy Lương (thị xã Hương Thủy), của cơ sở sản xuất Nguyễn Thượng ở làng nghề Ô Sa, DNTN Lê Gọi, xã Vinh Phú (Phú Vang) và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Trần Trang