Phát triển sợi tự nhiên trong ngành dệt may Việt Nam là một hướng đi cần thiết và hợp thời. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự chung tay của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, có đến 60% số lượng trang phục mặc thường ngày được dệt từ sợi tổng hợp có nguồn gốc từ than đá, dầu mỏ, khí đốt,... Loại vải này có ưu điểm là bền hơn, dễ sản xuất hơn và giá thành rẻ hơn nhưng sự tồn tại của chúng lại gây ra những tác động rất lớn đến môi trường, bởi quá trình sản xuất sợi tổng hợp thải đến 282 tỷ tấn CO2 (vào năm 2015), gấp 3 lần so với sợi tự nhiên. Do đó, mục tiêu "xanh hóa" đang là yêu cầu cấp bách trước chiến lược hiện đại hóa ngành dệt may.
Trước thực tế này, thời trang thân thiện với môi trường đang dần trở thành xu thế. Trong đó, việc tận dụng các loại sợi từ tự nhiên làm chất liệu là hướng đi được nhiều nhà thiết kế và doanh nghiệp thời trang ưu tiên lựa chọn. Việc dần chuyển đổi sang “nguyên liệu xanh” không chỉ giúp đáp ứng yêu cầu của đối tác cũng như mở rộng thị trường, mà còn là xu hướng tất yếu trong tương lai khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do.
Sử dụng sợi tự nhiên đang dần trở thành xu hướng của ngành dệt may (Ảnh minh hoạ - Nguồn: cardina)
Đưa sợi tự nhiên “lên sàn”
Thời trang xanh, thời trang bền vững là mục tiêu nhiều nhà thiết kế, trong đó có các nhà thiết kế trẻ hướng đến, nhằm giảm rác thải cho môi trường sống. Các nhà thiết kế tìm đến các chất liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc tự nhiên, đó là vải từ sợi lá dứa, gai xanh, sợi tre, tơ sen…
Không ít nhà thiết kế Việt đã có nhiều cơ hội quảng bá các sản phẩm thời trang có nguồn gốc từ sợi tự nhiên trong khuôn khổ các tuần lễ thời trang danh tiếng như Paris Fashion Week, London Fashion Week, New York Fashion Week, Milan Fashion Week,...
Tại Tuần lễ thời trang London 2024, nhà thiết kế Trần Hùng đã gây “sốc” giới mộ điệu khi sử dụng loại vải da thuần chay từ Scoby - con giấm nuôi bằng nước trà. Các thiết kế từ loại vải da thuần chay này có tông màu chủ đạo là nude, đen và trắng. Điểm đặc biệt của những thiết kế này được các người thợ lành nghề khâu tay, hạn chế tối đa việc sử dụng máy móc. Chính vì thế các thiết kế có vẻ trông tối giản nhưng vẫn tinh tế, chất liệu từ Scoby ôm sát cơ thể người mặc, tạo sự uyển chuyển, mềm mại tựa như lụa.
Sản phầm thời trang làm từ Scoby của nhà thiết kế Trần Hùng (Ảnh: VnEconomy)
Cũng tại Tuần lễ thời trang này, bộ sưu tập của Nhà thiết kế Việt Nam Phạm Ngọc Anh trình diễn khiến gián giả thích thú khi chất liệu chủ đạo của bộ sưu tập được làm từ vải sợi tự nhiên, trong đó có sợi vải gai.
Theo nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh, những cây gai xanh được trồng ở Điện Biên khi dệt thành vải có bề mặt xốp cao, nhẹ nên có khả năng hút ẩm, tia UV và các chất thải trong môi trường khí rất tốt. Vải gai được ví như loại lụa cao cấp dòng vegan. Riêng đối với vải gai dầu được lấy từ bà con dân tộc vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình…, nơi những người thợ để làm ra được tấm vải mềm, nhẹ hơn đã phải lăn đá hàng giờ liền. Kết hợp với thổ cẩm, các loại vải này dựng thành từng trang phục trong bộ sưu tập làm nên vẻ đẹp mộc mạc, độc đáo, được nhiều khách hàng thời trang của tuần lễ chú ý.
Trình diễn các thiết kế có nguồn gốc từ sợi tự nhiên tại Tuần lễ thời trang London (Ảnh: Vneconomy)
La Phạm cũng là nhà thiết kế duy nhất tham dự Tuần lễ thời trang London 2024 theo đuổi thời trang bền vững. Trong bộ sưu tập mới, tính bền vững chiếm vị trí trung tâm, với các chất liệu như sợi gai dầu, sợi dứa, gai xanh, tất cả đều có nguồn gốc từ những vùng đất tươi đẹp của Việt Nam. Cô cũng chia sẻ tham vọng không chỉ muốn người Việt Nam mặc đồ thổ cẩm mà sẽ mang loại hoạ tiết độc đáo này đến khắp nơi trên thế giới, trong đó có những kinh đô thời trang lớn như London hay Paris.
Nét đặc biệt của bộ sưu tập xuất phát từ sự kết hợp hài hòa giữa sáng tạo và giá trị văn hóa. Ứng dụng nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong của người H'Mong, La Phạm đã cùng người dân ở Hang Kia Pà Cò, Hòa Bình thiết kế các hình vẽ như mong muốn. Vì các công đoạn hoàn toàn làm thủ công, họ mất hàng tháng để làm ra 200m vải thổ cẩm vẽ sáp ong.
Giải quyết những khó khăn
Không chỉ riêng các nhà thiết kế, trong những năm gần đây, sợi tự nhiên, như bông, lanh, và tơ tằm,.. đã được nhiều doanh nghiệp may mặc ưu tiên sử dụng do tính thân thiện với môi trường và nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng sợi tự nhiên cũng gặp không ít khó khăn. Một trong những vấn đề lớn nhất là nguồn cung cấp sợi tự nhiên không ổn định. Việc sản xuất nguyên liệu từ nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và điều kiện canh tác. Những cơn bão, hạn hán hay biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất trồng bông hay lanh, dẫn đến sự khan hiếm nguồn cung. Điều này không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm mà còn gây khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất.
Bên cạnh đó, sợi tự nhiên thường có chi phí sản xuất cao hơn so với sợi tổng hợp. Giá nguyên liệu đầu vào cho sợi tự nhiên có thể cao do quy trình sản xuất và chế biến phức tạp hơn. Việc sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất sợi tự nhiên cũng đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Chi phí này có thể khiến sản phẩm từ sợi tự nhiên trở nên kém cạnh tranh hơn so với sợi tổng hợp trên thị trường.
Vải sợi tự nhiên thường có giá thành khá cao so với vải sợi tổng hợp (Ảnh: ecosoi)
Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của sản phẩm từ sợi tự nhiên. Mặc dù có nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, thoáng khí và an toàn cho sức khỏe, nhưng giá thành cao và sự quen thuộc với sản phẩm từ sợi tổng hợp đã làm người tiêu dùng khó chấp nhận.
Do đó, để phát triển sợi tự nhiên trong ngành dệt may hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ. Trong đó, ưu tiên việc nâng cao chất lượng nguồn cung cấp sợi tự nhiên. Các cơ sở nghiên cứu cần phát triển giống cây trồng chất lượng cao và tổ chức đào tạo nông dân về kỹ thuật canh tác hiện đại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của sản phẩm từ sợi tự nhiên, giúp họ hiểu rõ hơn về sự thân thiện với môi trường và sức khỏe. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm sẽ tạo cơ hội để ngành dệt may Việt Nam học hỏi và áp dụng công nghệ mới, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Có thể thấy, phát triển sợi tự nhiên trong ngành dệt may Việt Nam là một hướng đi cần thiết và hợp thời. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự chung tay của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Chỉ khi vượt qua được những trở ngại trên, ngành dệt may Việt Nam mới có thể khai thác tối đa tiềm năng của sợi tự nhiên, từ đó phát triển một cách bền vững và thân thiện với môi trường.
Việt Nam lần đầu sản xuất vải sợi dứa quy mô lớn Mới đây, công ty khởi nghiệp Ecofa Việt Nam và Bảo Lân Textile đã thành công trong việc sản xuất tơ sợi vải dứa trên quy mô lớn với một quy trình hoàn thiện có khả năng truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là lần đầu Việt Nam sản xuất tơ dứa trên quy mô lớn. Vải dệt từ tơ dứa của Ecofa và Bảo Lân Textile đã được Viện Nghiên cứu Dệt may TPHCM và Tổ chức Kiểm tra & Phân tích kỹ thuật Nissenken (Nhật Bản) cấp chứng nhận cho bốn tính năng: độ bền vải, khử mùi tự nhiên trên sợi, kháng khuẩn tự nhiên trên sợi, chống UV tự nhiên trên sợi. |
Minh Khuê