Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 16/11/2024 | 14:01 GMT+7

Tin hoạt động

Cần tiếp sức cho sản phẩm mới

02/04/2015

Nghệ nhân Trần Đức Tân - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Tân Thịnh là tác giả của bộ sản phẩm lọ gốm hoa văn cách điệu cho biết, HTX hiện có 20 xã viên, đồng thời là những nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Mỗi thành viên của HTX chuyên về một dòng sản phẩm khác nhau: Dòng sản phẩm đồ thờ truyền thống; sản phẩm gia dụng hay sản phẩm mỹ thuật trang trí… Bộ sản phẩm lọ gốm hoa văn cách điệu của HTX thuộc dòng sản phẩm mỹ thuật trang trí, được kết hợp giữa hoa văn cúc dây với công nghệ mạ kim loại tạo ra một sản phẩm mới vừa mang tính hiện đại vừa đậm tính truyền thống.

Mặc dù, công nghệ mạ kim loại thực tế không còn mới mẻ, nó đã được áp dụng trên nhiều loại nguyên liệu khác nhau và riêng mạ trên gốm đã có ở một số nơi trên thế giới. Nhưng, với gốm Việt Nam và nhất là tại làng nghề Bát Tràng, công nghệ mạ kim loại trên gốm là công nghệ mới hoàn toàn, do nghệ nhân Trần Đức Tân - người đầu tiên thử nghiệm thành công.

Bộ sản phẩm lọ gốm hoa văn cách điệu và những sản phẩm khác của Tân Thịnh khá được ưa chuộng trên thị trường, bao gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Riêng với thị trường nội địa, sản phẩm hiện đang được tiêu thụ tại các đại lý cấp 1 ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Với việc thử nghiệm công nghệ mạ kim loại, nghệ nhân muốn tạo thêm nhiều dòng sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Qua thăm dò, sản phẩm gốm mạ kim loại được đánh giá có độ bền cao, sang trọng, rất phù hợp cho trưng bày và trang trí tại những nơi sang trọng như khách sạn, nhà hàng cao cấp... Quan trọng hơn, công nghệ này giúp giảm đáng kể lao động thủ công, hạ được giá thành sản phẩm.

Nghệ nhân Trần Đức Tân trăn trở, trên thị trường, sản phẩm được ưa chuộng, tiềm năng phát triển tốt, sản phẩm gốm mạ kim loại thành công sau nhiều năm thử nghiệm. Tuy nhiên, công nghệ mạ kim loại trên gốm đòi hỏi mức đầu tư không nhỏ, khoảng 2 tỷ đồng, gồm cả dây chuyền sản xuất và nhà xưởng, hệ thống xử lý môi trường. Để thực hiện, vốn đầu tư này hiện tại quá sức so với cơ sở.

Cuối năm 2015, Tân Thịnh sẽ quyết tâm đầu tư dây chuyền mạ kim loại trên gốm và rất mong muốn được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công thành phố, giúp HTX phát triển sản xuất. “Đầu tư công nghệ mạ kim loại trên gốm không chỉ giúp Tân Thịnh sản xuất đại trà được bộ sản phẩm lọ gốm hoa văn cách điệu, đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn giúp được bà con tại làng nghề Bát Tràng cùng phát triển dòng sản phẩm này” - nghệ nhân Tân nói.

Có thể nói, công nghệ mạ kim loại trên cốt gốm, một công nghệ mới đã mở ra một xu hướng sản phẩm mới cho làng nghề Bát Tràng nói riêng và Việt Nam nói chung, dòng sản phẩm này đã được thị trường tích cực đón nhận. Điều này thật đáng quý, trong bối cảnh không ít các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đang rơi vào cảnh ảm đạm do biến động về thị trường xuất khẩu. Do đó, sự chia sẻ của các đơn vị quản lý nhằm hỗ trợ cơ sở đầu tư phát triển sản xuất là cần thiết. Sự hỗ trợ này nếu được triển khai một cách có hệ thống từ sản xuất, quảng bá cho tới xúc tiến thị trường thì sẽ giảm đáng kể sức nặng đầu tư cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.