Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 16/11/2024 | 13:35 GMT+7

Tin hoạt động

Hỗ trợ có thu hồi: Bài học thực tế từ khuyến công Lâm Đồng

02/04/2015

Ông Cao Xuân Khản - Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Lâm Đồng - cho biết, hình thức hỗ trợ có thu hồi được Trung tâm khuyến công thí điểm triển khai từ năm 2004 - khi Lâm Đồng bắt đầu thực hiện Chương trình khuyến công. Qua 3 năm thí điểm, hình thức hỗ trợ có thu hồi đã được khuyến công Lâm Đồng chính thức triển khai thông qua nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Từ đó đến nay, hàng năm khuyến công tỉnh luôn dành khoảng 2/3 kinh phí để thực hiện hình thức hỗ trợ này.

Từ năm 2004 - 2014, khuyến công tỉnh đã thực hiện 136 đề án khuyến công hỗ trợ có thu hồi, với tổng kinh phí gần 33 tỷ đồng.

Hỗ trợ vốn có thu hồi được triển khai nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất. Doanh nghiệp có đầu tư cho phát triển sản xuất mới được hỗ trợ. Mức hỗ trợ sẽ căn cứ trên tổng mức đầu tư của đề án, nội dung và hạng mục hỗ trợ chủ yếu là xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị. Thời gian hỗ trợ tối thiểu là 3 năm và tối đa là 5 năm, doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ kinh phí được hỗ trợ cho Chương trình khuyến công.

Khác với cách hỗ trợ “cho không” truyền thống, hỗ trợ có thu hồi có ưu điểm rất lớn là nâng được nguồn kinh phí cho mỗi đề án. Bình quân mỗi đề án của khuyến công Lâm Đồng được hỗ trợ từ 250-300 triệu đồng. Thời gian hỗ trợ dài đã góp phần giải quyết khó khăn về vốn trong việc đầu tư phát triển sản xuất đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thông qua hình thức hỗ trợ có thu hồi, kinh phí hoạt động khuyến công hàng năm của Lâm Đồng được bổ sung rất đáng kể. Năm 2014, kinh phí khuyến công địa phương được ngân sách cấp 3,6 tỷ đồng, cùng với việc thu hồi 4 tỷ đồng từ các đề án hỗ trợ những năm trước nên tổng kinh phí đã tăng gần 8 tỷ đồng.

Từ những hiệu quả đạt được, hỗ trợ có thu hồi tiếp tục là giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả Chương trình khuyến công. Tỉnh sẽ hỗ trợ có thu hồi tối thiểu 65% tổng kinh phí khuyến công hàng năm từ ngân sách địa phương; hỗ trợ không thu hồi tối đa 35% trong tổng kinh phí khuyến công hàng năm từ ngân sách địa phương để hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ phát triển các ngành nghề, sản phẩm công nghiệp tiêu biểu, chủ lực và có lợi thế cạnh tranh phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; triển khai đồng bộ chính sách khuyến công với các chính sách khác như chính sách về đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng, khoa học công nghệ. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác khuyến công của các địa phương, các đơn vị dịch vụ khuyến công và cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp…

Có thể nói, hỗ trợ có thu hồi là kinh nghiệm hay, đáng học hỏi của khuyến công Lâm Đồng. Phương thức này đã giải quyết được trở ngại cố hữu nguồn vốn hỗ trợ thấp, hấp dẫn được các cơ sở công nghiệp nông thôn của chương trình khuyến công. Đồng thời nới được nguồn vốn cho Chương trình khuyến công tỉnh. Hơn nữa, việc hỗ trợ dưới hình thức này còn tránh được tâm lý ỷ lại, nhận “cho không” mà các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hoàn trả để bảo toàn quỹ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khác.
Từ năm 2010 - 2014, Chương trình khuyến công tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ 7, 898 tỷ đồng cho 27 doanh nghiệp thực hiện 33 đề án khuyến công để phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn 15 xã xây dựng nông thôn mới. Trong đó, hỗ trợ có thu hồi 7, 090 tỷ đồng để thực hiện 23 đề án khuyến công; hỗ trợ không thu hồi 808 triệu đồng để thực hiện 10 đề án khuyến công.