Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 16/11/2024 | 14:37 GMT+7

Tin hoạt động

Nâng cao năng suất, chất lượng: “Đòn bẩy” cạnh tranh

16/03/2015

Xin ông cho biết một số kết quả bước đầu của Chương trình 712?

Chương trình 712 có mục tiêu là tạo bước chuyển biến rõ nét về năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hóa chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước. Có thể khẳng định, 4 năm qua, Chương trình 712 đã hình thành “phong trào” năng suất, chất lượng trong cả nước, nhận thức về năng suất, chất lượng được nâng lên. Vấn đề năng suất, chất lượng xuất hiện nhiều trong tư duy của các lãnh đạo các công ty, tập đoàn và tổ chức. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các hệ thống, mô hình, tư vấn và đào tạo về năng suất, chất lượng.

Trong giai đoạn 2011-2014, đã có 4 dự án được thực hiện, bước đầu đạt được một số thành tựu. Trong đó, việc hỗ trợ cải tiến năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp được chú trọng. Tính đến hết năm 2014 đã có gần 800 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng như: Mô hình quản lý tinh gọn Lean; duy trì năng suất tổng thể TPM; chỉ số hoạt động chính KPI, 5S, MFCA và các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn như: ISO 50001, ISO 31000, ISO 22000, ISO 9001… Bên cạnh đó, Chương trình 712 đã xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của Việt Nam với 8.100 tiêu chuẩn cho 98 lĩnh vực; xây dựng đầy đủ và kịp thời các văn bản pháp lý cũng như đào tạo kiến thức chuyên sâu cho các doanh nghiệp…

Thưa ông, Chương trình 712 được xem là “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Hiện tại, chúng tôi đang triển khai xây dựng mô hình điểm về áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp theo các ngành, địa phương và tư vấn, hướng dẫn nhân rộng các mô hình này cho các doanh nghiệp trên cả nước.

Trong thời gian áp dụng thí điểm, các giải pháp đã thực sự giúp nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động tại doanh nghiệp, điển hình như tại các doanh nghiệp ngành may mặc. Đây là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, nhiều dây chuyền và công đoạn sản xuất. Theo đó, chúng tôi đã triển khai thí điểm tại một số doanh nghiệp may như Tổng công ty Đức Giang, Công ty may Nam Hà…, qua đó, các chuyên gia cùng với doanh nghiệp đánh giá thực trạng, thu thập số liệu và phân tích các hoạt động để xác định, phân loại những hoạt động tạo ra giá trị được khách hàng trả tiền, những hoạt động không tạo giá trị nhưng bắt buộc phải có, còn không sẽ loại bỏ. Từ các kết quả phân tích, đánh giá, các quá trình sẽ được sắp xếp, tối ưu hóa nhằm loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất và giảm sai lỗi.

Tại Công ty may Hưng Nhân (Tổng công ty Đức Giang), nhờ áp dụng các giải pháp cải tiến mà năng suất lao động của công ty đã tăng lên 25- 30%. Như vậy, với một doanh nghiệp sản xuất ngành may có doanh thu 1 triệu USD/tháng, nếu năng suất lao động tăng lên 10% thì lợi ích kinh tế có được là 100.000 USD, tính cho 12 tháng thì lợi ích thu được có thể là hàng triệu USD.

Còn tại Công ty may Nam Hà, với dây chuyền công nghệ bán tự động, sau khi triển khai các giải pháp cải tiến, năng suất lao động của công ty đã tăng 15- 20% và ở một số công đoạn, công ty có năng suất lao động cao gấp đôi so với những doanh nghiệp may khác có hệ thống dây chuyền sản xuất tự động.

Có thể nói, lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp rất lớn, năng suất tăng lên đồng nghĩa giá thành sản xuất sẽ hạ xuống. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đây chính là “đòn bẩy” để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Vậy theo ông, đâu là điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay?

Phải thừa nhận rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất lãng phí trong sản xuất, công tác tổ chức quản lý điều hành sản xuất còn rất yếu. Nhiều doanh nghiệp không áp dụng hoặc áp dụng không triệt để các công cụ hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng như 5S, TPM, Lean… Nhiều doanh nghiệp khi chúng tôi đến thì thấy sản phẩm tại các dây chuyền tồn ứ lại. Như vậy, việc tổ chức sắp xếp hệ thống sản xuất và dây chuyền sản xuất có vấn đề, chẳng hạn như tại các doanh nghiệp dệt may. Do vậy, chúng tôi đã tư vấn cho doanh nghiệp làm sao để tối ưu các công đoạn sản xuất, sản phẩm chuyển đến các dây chuyền sản xuất được xử lý triệt để, không có sản phẩm tồn đọng, nhờ đó đã rút ngắn thời gian gia công, sản xuất cho 1 đơn vị sản phẩm, năng suất lao động, sản lượng và chất lượng hàng hóa được tăng lên.

Vậy đối với những doanh nghiệp đã có hệ thống quản lý theo ISO thì sao, thưa ông?

Hệ thống quản lý ISO là cấp cho doanh nghiệp dựa trên quy trình lao động, sản xuất, quản lý mà doanh nghiệp đang áp dụng. Mức độ tối ưu của các quá trình này tại các doanh nghiệp rất khác nhau. Có nhiều doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000.

Tuy nhiên, vấn đề năng suất, hiệu quả lại chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh. Vì vậy, doanh nghiệp cần xem việc xây dựng hệ thống quản lý mới là nền tảng cơ bản, cần tiếp tục cải tiến, tối ưu tất cả các khu vực, hoạt động trong doanh nghiệp. Trong đó cần tập trung vào các “nút thắt” đối với vấn đề năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng. Vấn đề này cần được thực hiện một cách thường xuyên, trong giai đoạn mới có thể tạo được những chuyển biến cơ bản về năng suất, chất lượng của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!