Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ ba, 17/09/2024 | 01:40 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Áp dụng chuyển đổi số vào phân loại, tái chế chất thải

01/04/2024

Sự phát triển của khoa học công nghệ đang góp một phần lớn trong việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần đạt được tất cả các mục tiêu của quản lý chất lượng như phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.
Vai trò của chuyển đổi số trong thực hiện kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Hoạt động này đã được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn.
Theo ông Vũ Minh Lý – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT), việc phát triển song song chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra sự cộng hưởng để đạt được mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa sử dụng hiệu quả nguồn vốn tự nhiên, giảm phát sinh chất thải, giảm tác động xấu đến môi trường. Ngược lại, việc chỉ chú trọng một phạm trù sẽ dẫn đến những tác động không bền vững. Ví dụ, nếu chỉ thúc đẩy áp dụng KTTH mà không lồng ghép công nghệ, thành tựu của số hóa thì KTTH lúc này chỉ là những biện pháp tái chế, tái sử dụng truyền thống; hoặc nếu chỉ thúc đẩy số hóa mà không chú trọng đến KTTH sẽ tiềm ẩn nguy cơ tạo ra sức tiêu dùng lớn, kéo theo đó là khối lượng chất thải phát sinh sẽ lớn.
Chuyển đổi số góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồ họa: Duy Hưng.
"Có thể lấy ví dụ như, ở cấp độ mô hình sản xuất, kinh doanh đơn lẻ, các doanh nghiệp có thể áp dụng số hóa để thúc đẩy sản xuất sạch hơn, thiết kế và quản lý sản phẩm theo tiêu chí sinh thái; hình thành kênh mua sắm xanh từ khu vực tiêu dùng; phát triển hệ thống tái chế, tái sử dụng sản phẩm, hình thành các nhà máy xử lý chất thải vận hành hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại và số hóa.
Ở cấp độ quản lý nhà nước, thông qua việc số hóa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong các hoạt động như quan trắc tự động, thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu, kiểm soát nguồn thải, sử dụng dữ liệu hiệu quả, hỗ trợ dự báo, cảnh báo, ứng phó sự cố kịp thời", ông Lý nói.
Kinh tế tuần hoàn đang được quan tâm đặc biệt
Lần đầu tiên, khái niệm về KTTH được Luật hóa tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụ thể tại Điều 142 Luật BVMT năm 2020 có quy định riêng về KTTH. Theo đó, KTTH ở Việt Nam được xác định là “là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
"Ngoài khái niệm về KTTH thì Luật đã quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải. Ngoài ra, KTTH cũng được đề cập đến tại Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, đã đưa ra những quy định chi tiết hơn về KTTH.
"KTTH đã và đang nhận được sự đồng thuận của cộng đồng xã hội, người dân và doanh nghiệp trên cả nước. Đó là giải pháp quan trọng, hiệu quả để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường. Với sự phát triển của khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ là cơ hội lớn nhằm tìm tòi, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiến tới thực hiện kinh tế tuần hoàn", ông Lý nhấn mạnh.
Theo: Báo Lao Động