Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 04/12/2024 | 00:15 GMT+7

Sản xuất bền vững

Phát triển khu công nghiệp bền vững là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam

29/02/2024

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm trên thế giới và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải được đặt lên hàng đầu.
Đặt vấn đề
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã đem lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Các xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, công nghiệp, nông nghiệp đến giáo dục… Tuy nhiên, sự đột phá này chưa diễn ra đồng bộ và toàn diện do những rào cản của mô hình kinh tế hiện tại của Việt Nam.
Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững cho phát triển kinh tế đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác, ảnh hưởng đến cơ hội kinh tế cho các thế hệ tương lai. Do đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nền kinh tế nâu sang mô hình tăng trưởng xanh trở thành một xu hướng tất yếu.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp tại Diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam 2022 cho thấy, tính đến cuối năm 2020, hệ thống KCN, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 KCN, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập [6]. Các KCN, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (trong đó, tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD).
Như vậy, ước tính các doanh nghiệp (DN) trong các KCN đang giữ vị trí then chốt và đóng góp tới 20% GDP cả nước. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích kinh tế mang lại, thì hoạt động sản xuất của các DN tại KCN lại đang là tác nhân tạo ra nhiều tác động đến môi trường và xã hội nhất. Do đó, việc chuyển đổi mô hình KCN truyền thống sang mô hình KCN bền vững chính là điều kiện tiên quyết thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới.
Khu công nghiệp bền vững và vai trò của nó trong thúc đẩy tăng trưởng xanh
Quan điểm về KCN bền vững được nhà khoa học Robert A. Frosch và Nicholas E. Gallopoulos đề xuất vào năm 1989, nhưng dưới phạm vi hẹp hơn là KCN sinh thái. Theo đó, KCN sinh thái hình thành trên cơ sở sinh thái công nghiệp nhấn mạnh sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng và liên kết mạng lưới DN.
Đến nay, sau hơn 3 thập kỷ, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về KCN bền vững, nhưng nhận thức chung nhất đều thống nhất, KCN bền vững được nhìn nhận ở 4 góc độ, bao gồm: (i) Bền vững trong nội tại KCN thông qua sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, có biện pháp giảm phát thải và xử lý chất thải trước khi xả thải ra môi trường; (ii) Tính cộng sinh với các DN khác để đảm bảo chu trình kinh tế khép kín, tuần hoàn và tận dụng nguyên nhiên vật liệu của nhau, hạn chế tối đa các phế phẩm trong quá trình sản xuất đến môi trường; (iii) Đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác; (iv) Đảm bảo mối quan hệ với cộng đồng địa phương thông qua thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của DN trong KCN.
Như vậy, có thể thấy, vai trò của KCN bền vững trong thúc đẩy tăng trưởng xanh được nhìn nhận ở cả 3 trụ cột, như sau:
Đối với kinh tế: Phát triển KCN bền vững tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương và cả nước, đặc biệt là thúc đẩy phát triển công nghệ phụ trợ, nâng cao ứng dụng công nghệ trong DN vừa và nhỏ. Theo đó, bản thân các DN trong KCN bền vững sẽ gia tăng hiệu quả hoạt động nhờ tận dụng được lợi thế vốn có của KCN bền vững. Bởi, các DN trong KCN bền vững sẽ tiết kiệm chi phí trên cơ sở sản xuất mang tính liên kết và tuần hoàn với các DN khác.
Đối với xã hội: KCN bền vững thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm mới trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, KCN bền vững cũng tạo động lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các địa phương trên cơ sở đòi hỏi cao về nguồn nhân lực lành nghề và chất lượng cao, trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực này cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Các dự án phát triển nhà ở, cải tạo và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đã đảm bảo đời sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với môi trường: KCN bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường, giúp giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường, giảm chất thải công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, áp dụng hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, sử dụng nguyên liệu tái tạo. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ cao, thân thiện trong các hoạt động sản xuất và xử lý rác thải.
Thực trạng và thách thức trong phát triển khu công nghiệp bền vững ở Việt Nam
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai mô hình KCN bền vững dưới dạng các KCN sinh thái và KCN công nghiệp - đô thị - dịch vụ, song ở Việt Nam mô hình này vẫn còn khá mới mẻ và mới chỉ đang được thực hiện thí điểm ở một số KCN. Cách thức triển khai mô hình KCN bền vững ở Việt Nam là chuyển đổi từ các KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái bằng cách chú trọng đến các tiêu chí của mô hình KCN sinh thái. Đây là cách làm khác so với các quốc gia trên thế giới là hình thành và xây dựng KCN sinh thái ngay từ đầu.
Mô hình KCN sinh thái được UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai từ năm 2015 đến năm 2020 tại Hải Phòng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, với KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Sau 5 năm triển khai mô hình KCN sinh thái, hiện nay đã có 72 DN tham gia và đã áp dụng hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm được 76 tỷ đồng/năm thông qua việc cắt giảm năng lượng tiêu thụ, các tài nguyên, vật liệu [1]. Việc thực hiện chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái bước đầu đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường đồng thời huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điển hình tại KCN Hòa Khánh ở Đà Nẵng qua 4 năm thí điểm chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái, đã cho thấy, hiệu quả cải thiện môi trường, gia tăng lợi nhuận rõ rệt cho các DN. Vì thế, Hòa Khánh được đánh giá là mô hình thí điểm thành công nhất của Dự án chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái tại Việt Nam (Bảng 1).
Nhìn chung, qua thí điểm một số KCN triển khai theo mô hình KCN sinh thái đã cho thấy, hiệu quả kinh tế đáng kể bên cạnh hiệu quả về xã hội và môi trường, nhưng chỉ dừng ở mức khiêm tốn. Hiện nay, mức thí điểm chỉ dừng ở 6 KCN, trong khi đó, Việt Nam có 400 KCN trải dài khắp mọi miền đất nước. Để triển khai có hiệu quả hơn nữa mô hình này trong các giai đoạn tiếp theo và để đồng bộ về mặt số lượng các KCN chuyển đổi theo hướng mô hình KCN sinh thái, trong thời gian qua, tại Việt Nam đã hình thành một số khung khổ pháp lý làm nền tảng triển khai KCN sinh thái, như: Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế đã tạo cơ sở tiền đề, động lực để mô hình KCN sinh thái thực sự phát huy được vai trò tích cực trong tăng trưởng xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nhấn mạnh vào 3 tiêu chí của KCN sinh thái đó là:
(i) Nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN (chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật; cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong KCN; cơ chế giám sát đầu vào đầu ra và báo cáo định kỳ về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, giảm phát thải);
(ii) DN trong KCN (tuân thủ quy định pháp luật; tối thiểu 20% DN trong KCN áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; ít nhất 01 cộng sinh công nghiệp);
(iii) KCN (diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong KCN đạt 25% trong quy hoạch xây dựng KCN; có giải pháp đảm bảo nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa và thể thao cho người lao động làm việc trong KCN).
Đặc biệt, ưu đãi đối với KCN sinh thái cũng được chú trọng, đó là: miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, đưa vào danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư; được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển DN, Quỹ đổi mới công nghệ, Ngân hàng phát triển, các Quỹ của nhà tài trợ quốc tế…; được cung cấp thông tin về công nghệ, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi sang DN sinh thái; tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư.
Bên cạnh mô hình KCN sinh thái, tại Việt Nam đã triển khai mô hình KCN - đô thị - dịch vụ. Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2022, trên cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các KCN, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% (330.000 người lao động) so với nhu cầu thực tế. Điển hình là KCN - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định tọa lạc tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định được quy hoạch tổng thể diện tích 1.425 ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, thuộc phân khu 07 của Khu kinh tế Nhơn Hội, bao gồm 1.000 ha KCN do Becamex IDC và VSIP hợp tác phát triển và 425 ha khu dân cư, thương mại - dịch vụ và khu tái định cư. Dự án được triển khai, quy hoạch theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp và bền vững. KCN được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại như đường giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông, xử lý nước thải, công viên cây xanh, quảng trường; đa ngành nghề gắn liền với các công trình dịch vụ như y tế, giáo dục, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm, vui chơi, giải trí, trung tâm văn hóa, thể thao cộng đồng, nhà ở xã hội. Với sự ra đời của các KCN đô thị - dịch vụ đã góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân KCN, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các KCN. Từ đó, giúp các KCN phát triển đảm bảo 3 trụ cột cơ bản về kinh tế - môi trường - xã hội trong phát triển bền vững.
Như vậy, quá trình chuyển đổi các KCN ở Việt Nam sang mô hình KCN sinh thái hay mô hình KCN - đô thị - dịch vụ cũng gặp phải nhiều thách thức và rào cản từ nhiều phía, có thể kể đến:
Về thể chế chính sách và cơ chế quản lý. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, nhưng tính pháp lý của Nghị định này vẫn chưa đủ mạnh, do thiếu cụ thể và có thể dễ dàng bị thay thế bởi các luật, nghị định chuyên ngành khác. Trong thực tế triển khai, KCN phát triển theo hướng bền vững thông qua mô hình KCN sinh thái hay KCN - đô thị - dịch vụ liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Ngoài ra, cơ chế quản lý KCN theo hướng bền vững đang vận hành theo hướng chịu sự quản lý và giám sát của nhiều cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của các DN trong KCN.
Về quy hoạch và phát triển hạ tầng KCN. Với quan điểm xây dựng mô hình KCN phát triển theo hướng bền vững từ nền tảng các KCN đã có sẵn kéo theo việc phải điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng, với nhiều vấn đề phát sinh. Bởi, đối với phát triển KCN bền vững, ngay từ đầu đã cần phải có quy hoạch tổng thể để chuẩn bị các nguồn lực cần thiết, nhất là nguồn quỹ đất, bởi các KCN cần liên kết đảm bảo tính cộng sinh công nghiệp. Theo đó, xây dựng KCN bền vững cần phải nằm ở vị trí thuận lợi, tiện kết nối phát triển các cụm công nghiệp sản xuất phụ trợ, hạn chế chi phí vận chuyển trong liên kết, trao đổi, tái chế sản phẩm và thuận lợi trong việc khai thác các nguồn lực dịch vụ, năng lượng dùng chung. Nghĩa là đòi hỏi công tác quy hoạch phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn cho sự phát triển chung của một khu vực và một vùng, đi kèm với nguồn lực đầu tư được quản trị hiệu quả.
Về nguồn vốn và ý thức tham gia liên kết ngành của các DN trong KCN phát triển theo hướng bền vững. Để chuyển đổi theo hướng KCN bền vững, đòi hỏi bản thân các DN trong KCN phải có năng lực quản trị và dự báo tốt, thêm vào đó cần có nguồn lực tài chính dồi dào để đầu tư trang thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại, nhất là hệ thống xử lý chất thải công nghiệp tạo ra trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có cơ chế tài chính ưu đãi riêng cho dự án đầu tư thực hiện các sáng kiến KCN bền vững, điều này đã tạo ra rào cản không nhỏ cho các DN trong quá trình chuyển đổi mô hình KCN bền vững. Hơn tất cả là ý thức tham gia liên kết và cộng sinh giữa các DN trong KCN còn đang tồn tại những rào cản vô hình, tâm lý e ngại chuyển đổi do phải thực hiện nhiều quy trình hơn so với việc không tham gia.
Giải pháp thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững
Để thúc đẩy phát triển KCN bền vững trong giai đoạn tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ nhiều bên liên quan, đó là:
Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho Chính phủ hoạch định chính sách theo hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh các KCN bền vững. Trước tiên, cần tạo dựng khung thể chế pháp lý riêng về KCN bền vững nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho các bên liên quan tham gia mô hình này. Trong đó, cần phải có định hướng và lộ trình rõ ràng về phát triển KCN bền vững; cùng với các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cũng như các chính sách kinh tế, môi trường và xã hội liên quan. Đặc biệt, cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ các DN cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất đảm bảo sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cũng như hình thành mối quan hệ cộng sinh công nghiệp giữa các DN trong các công đoạn sản xuất hướng tới phát triển bền vững.
Thứ hai, Chính phủ cần xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KCN bền vững với tầm nhìn xa hơn, với quy mô vùng và liên vùng. Còn đối với chính quyền địa phương cần đánh giá khả năng chuyển đổi các KCN sang mô hình KCN bền vững để xây dựng lộ trình chuyển đổi cụ thể, tránh gây xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực về quỹ đất, hỗ trợ di dời và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, trong quá trình chuyển đổi mô hình KCN bền vững phải ưu tiên lựa chọn các DN có lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh bổ trợ hoặc liên kết với nhau vào trong cùng một KCN dựa trên định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp của địa phương.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến đến các DN và người dân về phát triển KCN bền vững, cùng những lợi ích của nó đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững nền kinh tế. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường việc thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với DN để nắm bắt kịp thời những vướng mắc mà DN gặp phải trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KCN bền vững, từ đó có giải pháp chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện”
2. Cục Quản lý thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng (2022), Báo cáo thực trạng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
3. Frosch, R. A. and Gallopoulos, N. E. (1989), Strategies for Manufacturing, Scientific American, 261(3), 144-152.
4. Đoàn Thị Ngọc Thủy (2021), Khu công nghiệp Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng): Mô hình khu công nghiệp sinh thái hiệu quả, truy cập từ http://tapchimoitruong.vn/dien-dan--trao-doi-21/khu-cong-nghiep-hoa-khanh-tp-da-nang--mo-hinh-khu-cong-nghiep-sinh-thai-hieu-qua-23165
5. Huỳnh Phúc Nguyên Thịnh (2022), Kinh nghiệm quốc tế về phát triển các khu công nghiệp sinh thái và bài học cho Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam.
6. Phạm Thị Tuyết Nhung và Phạm Thị Ninh (2022), Khu kinh tế, khu công nghiệp Việt Nam 2022: Khơi thông nguồn vốn đầu tư mới, truy cập từ https://consosukien.vn/khu-kinh-te-khu-cong-nghiep-viet-nam-2022-khoi-thong-nguon-von-dau-tu-moi.htm.
Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo