Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:02 GMT+7

Tin hoạt động

Đồng Tháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

27/02/2024

Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn chịu tác động phía thượng nguồn sông Mekong, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Cùng với cả nước, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, gồm 15 chỉ tiêu, 18 chủ đề, với 43 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 52 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
Mục tiêu tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Kinh tế nông thôn)
Thời gian qua các ngành, lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng xanh đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; phát triển mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”, sử dụng các thiết bị cảm biến tự động trong giám sát sâu rầy, tưới nước tiết kiệm; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác loại hình du lịch sinh thái; chú trọng hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất - tiêu thụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật truy xuất nguồn gốc.
Với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện “chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT)” trên ngành hàng lúa gạo, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (SPR), áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm, giúp lợi nhuận tăng thêm từ 10 - 30%, nâng cao chất lượng lúa gạo và giảm phát thải khí nhà kính với khối lượng 211.344 tấn.
Về nâng cao năng lực quản lý năng lượng trong công nghiệp và phổ biến phương pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai có hiệu quả Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, qua đó, đã hỗ trợ xây dựng 15 mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (điện mặt trời áp mái, trạm bơm điện an toàn và hiệu quả) và hỗ trợ 11 cơ sở áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn. Kết quả, cơ bản đã giảm khoảng 5,2% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng của tỉnh.
Đồng Tháp đang tiếp tục xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án Thí điểm mô hình phát triển điện mặt trời kết hợp với trồng cây nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Tỉnh.
Về đổi mới công nghệ để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải: Khi lập, triển khai các dự án, công trình giao thông phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng như: Ưu tiên lựa chọn công nghệ, giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa nguồn cung ứng nguyên, vật liệu...
Về phát triển du lịch sinh thái: Tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu định hình mô hình phát triển du lịch sinh thái của tỉnh với các nét văn hóa, lợi thế đặc trưng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như: Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích quốc gia Gò Tháp, Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, Làng hoa Sa Đéc v.v..
Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2025 định hướng tới năm 2030 với mục tiêu đưa du lịch Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn của Đồng bằng sông Cửu Long, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, khai thác, phát huy lợi thế tài nguyên, giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, thế mạnh tỉnh nông nghiệp, phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Về hoạt động xử lý rác thải: Tỉnh luôn quan tâm thực hiện xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đến nay, có 01 dự án Nhà máy tái chế, xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại với công suất xử lý 180 tấn rác/ngày của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại dịch vụ môi trường Tiến Phát.
Công tác quản lý, giám sát việc vận hành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh được tăng cường thực hiện, đồng thời, đang đẩy mạnh đôn đốc các địa phương thực hiện các thủ tục đóng cửa các bãi rác tạm nằm ngoài quy hoạch.
Xanh hóa nền kinh tế nhằm giảm thiểu khí thải các-bon hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Kinh tế đô thị)
Năm 2024, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó các nhiệm vụ trọng tâm gồm:
- Lồng ghép, gắn kết các mục tiêu tăng trưởng xanh vào công tác xây dựng các chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch đảm bảo thực hiện tăng trưởng xanh chung của tỉnh.
- Tiếp tục tham gia góp ý, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để thực hiện tăng trưởng xanh trong thời gian tới.
-Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của mỗi người dân và cộng đồng trong xã hội về tăng trưởng xanh; tăng cường đưa nội dung giáo dục tăng trưởng xanh vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục và đào tạo.
- Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác liên quan đến kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.
- Huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh, nhất là trong công việc thúc đẩy doanh nghiệp và người dân sản xuất, tiêu dùng xanh và bền vững.
Hương Linh