Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:22 GMT+7

Sản xuất bền vững

Nghệ An hướng đến công nghiệp xanh, sạch để phát triển bền vững

20/11/2023

Nghệ An đang kêu gọi những nhà đầu tư đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp. Cùng với đó, hướng đến phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch để phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, và bền vững.
Nâng cao hạ tầng để thu hút đầu tư
Hiện nay, vấn đề xây dựng môi trường xanh được coi như một phần của phát triển kinh tế bền vững. Sự chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các KCN, Khu kinh tế là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, Khu kinh tế cũng như cho từng địa phương và cả nền kinh tế là cần thiết.
Tuy nhiên, để biến nó thành hiện thực trong một tương lai gần thì cần đến nhiều sự hỗ trợ khác nhau, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó cũng cần đến hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.
Khu công nghiệp VSIP tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng
Tại Nghệ An, theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Nghệ An sẽ chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng vùng ven biển.
Theo đó, với cơ sở hạ tầng sẵn có, Nghệ An sẽ tập trung kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu bến Bắc Cửa Lò (nhất là cảng nước sâu Cửa Lò với 3 bến tàu có 100.000DWT thành cảng quốc tế). Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án giao thông kết nối đến Cảng biển. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam…
Cùng với đó, mở rộng Khu kinh tế Đông Nam, lấy Khu kinh tế Đông Nam làm trung tâm để tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển các CCN tập trung để hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.
Đẩy mạnh cơ cấu ngành công nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI để phát triển nhanh các ngành có lợi thế cạnh tranh, các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như: Điện tử, công nhệ thông tin; cơ khí lắp ráp; công nghiệp hỗ trợ… Phát huy vai trò trọng yếu của vận tải biển trong kết nối Nghệ An với thị trường Quốc tế, tạo sức hút dòng vốn FDI trong giai đoạn 2021-2030. Xây dựng 1 trung tâm logistic II trong Khu kinh tế Đông Nam…
Một góc Khu công nghiệp WHA ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Dũng
Hướng đến phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho biết, Nghệ An đã có những bước đi, những cách làm tổng thể, tính có chiều dài như kihi làm KCN VSIP 1, Nghệ An đã tính đến chuyện KCN VSIP 1 được lấp đầy, và sẽ triển khai ngay KCN VSIP 2 (VSIP Thọ Lộc - gần 500ha).
Bên cạnh đó, KCN WHA cũng đang đi những bước đi hết sức ổn định và có chiến lược. WHA là nhà đầu tư Thái Lan, điểm đến đầu tiên của họ ở nước ngoài là Nghệ An, họ cũng muốn biến Nghệ An thành hình mẫu, nên việc thu hút vốn FDI vào KCN này cũng đang rất thành công và họ sẵn sàng mở rộng giai đoạn 2 theo trục đường N5 lên đến huyện Đô Lương. Theo đó, với dư địa như vậy thì việc mở rộng KCN WHA không có gì khó khi giai đoạn 1 được lấp đầy.
Hay, KCN Hoàng Mai I cũng rất khả thi khi đã có nhiều dự án lớn xuất hiện. Nghệ An đã gối đầu KCN Hoàng Mai I là KCN Hoàng Mai II đang triển khai thực hiện… xa hơn nữa là KCN Đông Hồi.
Theo ông Nam, sự chuẩn bị về hạ tầng của Nghệ An có sự gối đầu, cùng các cơ chế, chính sách về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển đồng bộ, dẫn đến dư địa để Nghệ An thu hút các nhà đầu tư còn rất nhiều. Cộng tất cả các hội tụ ấy, cùng với Nghị quyết 39 về phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An tầm nhìn 2030 - 2035, với hành lang pháp lý, sự đồng thuận chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tạo cho Nghệ An có bức tranh rất trọn vẹn về thu hút đầu tư, trong đó có thu hút vốn FDI.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, Nghệ An tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao về linh kiện điện tử, điện lạnh, cơ khí chính xác, phụ tùng ô tô xe máy… Tới đây, Nghệ An sẽ chú ý thu hút nhiều về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Cũng theo ông Nam, Nghệ An có cả khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có lợi thế dư địa rất lớn về tiềm năng rừng, và các sản phẩm liên quan đến rừng, liên quan đến lâm nghiệp. Hiện, trữ lượng hàng năm của Nghệ An liên quan đến lâm nghiệp đang nằm trong top 5 cả nước, nhưng giá trị xuất nhập khẩu của Nghệ An đang còn thấp, và đang chủ yếu xuất sản phẩm thô vào các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, Bình Định… để họ gia công thành sản phẩm tinh xảo hơn để xuất khẩu.
"Thời gian tới, Nghệ An sẽ kêu gọi những nhà đầu tư đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp. Cùng với đó, hướng đến phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch để phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, và bền vững. Ngoài ra, Nghệ An tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất công nghệ bán dẫn, cơ khí chính xác, phụ tùng ô tô, xe máy điện…", ông Nam nói.
Trong năm 2023 (tính đến ngày 30/9/2023), Nghệ An đã cấp mới cho 94 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 35.680 tỷ đồng; điều chỉnh 128 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 34 lượt dự án (tăng 6.225,4 tỷ đồng). Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 41.905,4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số lượng dự án cấp mới tăng 13,2%, số vốn đầu tư cấp mới gấp 1,88 lần.
Đặc biệt, tỉnh Nghệ An vươn lên vị trí thứ 6/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm hơn 1,27 tỷ USD.
Theo: Nhadautu.vn