Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 23:17 GMT+7

Sản xuất bền vững

Sản xuất sạch hơn, giảm tiêu hao nhiên liệu, nguyên liệu sản xuất

26/09/2023

Sản xuất sạch hơn mới chủ yếu được áp dụng tại các doanh nghiệp có quy mô lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần được hỗ trợ để thực hiện quá trình này.

Một tiêu chuẩn “cứng” để đánh giá kết quả thực hiện cam kết NetZero đến năm 2050 của Việt Nam đó là phải giảm được lượng phát thải CO2 ra môi trường. Đây cũng là tiêu chuẩn của công nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Tại TP. Đà Nẵng, bước đầu đã có những doanh nghiệp từng bước chuẩn hóa sản xuất sạch hơn, sản xuất bền vững và hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Đầu tư cho sản xuất sạch hơn - Tốn kém nhưng sẽ sinh lời
Nhà máy giấy bao bì Tân Long (khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) là đơn vị nằm trong diện được hỗ trợ tư vấn các giải pháp sản xuất sạch hơn khi thực hiện thí điểm khu công nghiệp sinh thái tại khu công nghiệp Hòa Khánh. Ông Hà Ngọc Thống - Giám đốc nhà máy cho biết, đến thời điểm hiện tại, sản xuất sạch hơn không phải là hướng sản xuất mà đã trở thành nề nếp, thói quen trong sản xuất của đơn vị. “Không chỉ sản xuất sạch hơn, mà là sản xuất xanh, phát triển bền vững. Việc này được thực hiện thường xuyên”, ông Thống cho hay.
Phòng điều khiển trung tâm của một trạm quan trắc khí thải tự động tại nhà máy giấy Tân Long
Các hoạt động sản xuất sạch hơn tại nhà máy Tân Long gồm đổi mới máy móc công nghệ hiện đại để giảm phát thải ra môi trường, tăng chất lượng sản phẩm; quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50.001 để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; nguyên liệu giấy đầu vào của công ty là phế phẩm đầu ra của doanh nghiệp trước – tăng vòng đời cho sản phẩm; khí thải và nước thải ra môi trường đều đạt chuẩn quy định. Đặc biệt, để giảm phát thải, kiểm soát khí thải, công ty đã đầu tư lắp đặt 2 trạm quan trắc khí thải tự động tại khu vực lò hơi. “Lò hơi sẽ thải ra khí thải. Vì vậy, công ty đã đầu tư lắp đặt quan trắc khí thải tự động. Tân Long là một trong rất ít doanh nghiệp sản xuất lắp quan trắc khí thải tự động. Bất kỳ thời điểm nào Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cũng có thể nắm được các thông số khí thải từ lò hơi của công ty”, ông Thông thông tin và nhấn mạnh “Chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, sản xuất xanh là tất yếu, dù tốn kém. Đầu tư cho sản xuất sạch hơn - Tốn tiền nhưng được cái rất tốt”.
Tương tự, là doanh nghiệp sản xuất keo dán vải, đặc thù ngành sản xuất có thể có mùi hôi nhưng ngay từ năm 2018, công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) đã được đánh giá là doanh nghiệp sản xuất sạch. Ông Nguyễn Thanh Phước – Giám đốc Công ty cho biết, để đạt chứng nhận này, Công ty đã đầu tư lại toàn bộ các cơ cấu quản lý sản xuất, môi trường sản xuất, máy móc thiết bị, đưa vào những công cụ như máy hút bụt, lọc khí, tăng vệ sinh môi trường tại chỗ, làm giảm hầu như toàn bộ mùi hôi, khói bụi trong nhà máy.
“Doanh nghiệp xác định phải đầu tư máy móc thiết bị liên tục để đổi mới công nghệ. Hiện máy móc công nghệ tại công ty hiện đại, khép kín, tự động nên hầu như không còn mùi hôi khi sản xuất”, ông Phước cho hay.
Với hệ thống quan trắc tự động, Sở Tài nguyên và Môi trường có thể theo dõi mọi thông số về khí thải trong sản xuất của khu vực lò hơi tại nhà máy giấy
Theo ông Phước, đầu tư máy móc thiết bị rất tốn kém, chắc chắn là phải đi vay ngân hàng, đối với Công ty Bá Lộc thì còn được vay từ nguồn vốn quỹ đầu tư thành phố. “Tuy nhiên, việc đầu tư này chắc chắn sẽ sinh lời. Bởi chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững là xu hướng tất yếu. Doanh nghiệp còn phân vân lựa chọn giữa đầu tư máy móc tốn kém với giữ máy móc cũ lạc hậu thì sẽ bị tụt lại phía sau, sản phẩm sẽ dần mất sức cạnh tranh trên thị trường so với các sản phẩm cùng loại”, ông Phước nói.
Những trợ lực cho doanh nghiệp sản xuất sạch hơn
Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại TP. Đà Nẵng, trong giai đoạn 2018 – 2022, từ nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ cho hơn 70 lượt doanh nghiệp đổi mới máy móc thiết bị công nghệ để sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thải ra môi trường, với tổng kinh phí khoảng 10,8 tỷ đồng (gồm cả kinh phí khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia). Trong đó, đã hỗ trợ hàng chục lượt doanh nghiệp đánh giá, ứng dụng sản xuất sạch hơn; xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Điển hình như năm 2021, Công ty TNHH Khả Tâm (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) được thụ hưởng hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia để xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ mới trị giá 3,2 tỷ đồng (trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 500 triệu đồng) để giảm thải. Ông Phạm Văn Bình - Đại diện Công ty cho biết, trước đây công ty sử dụng công nghệ cắt plasma trong quá trình sản xuất gây hao hụt tôn nguyên liệu (đường cắt 4 mm); trong quá trình chạy máy, đốt cháy để cắt gây ra khí thải và bụi mịn ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động cũng như môi trường; bên cạnh đó, các mí cắt bị gia nhiệt biến dạng nên nhìn đường cắt không được đẹp, ảnh hưởng đến thẩm mỹ sản phẩm, đôi lúc lỗi gây hao hụt nguyên liệu.
Sau khi đầu tư máy cắt laser, trong quá trình thay đổi sản xuất đã sạch hơn thấy rõ. “Nguyên liệu đầu vào đỡ hao hụt, đường cắt sạch, đẹp, không có bị bụi, ô nhiễm cho người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; các mí ghép sau khi cắt công nghệ mới tính thẩm mỹ cao; công suất cắt nhanh, hiệu quả hơn”, ông Bình nói và thông tin cụ thể, thay vì tiết diện ngang đường cắt của công nghệ cũ là 4mm, thì đường cắt công nghệ mới chỉ 1mm, mỗi đường cắt tiết kiệm được 3mm tôn phôi nguyên liệu, quy ra cho hàng triệu sản phẩm mỗi năm đây là con số rất lớn. Bên cạnh đó, sau khi đầu tư máy cắt laser thì dừng công nghệ cắt bằng plasma, nên đã cắt giảm gần như hoàn toàn lượng bụi do sản xuất tạo ra; phát thải CO2 tại doanh nghiệp gần như không có, vì đơn vị sử dụng khí CO2 để hàn, trong quá trình hàn, CO2 sẽ phân hủy.
Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Công ty Khả Tâm đã mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ mới để sản xuất sạch hơn
Ông Lê Thanh Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng cho biết, hiện nhận thức của doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, phần lớn mới tập trung ở doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa. Còn doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ thì chưa dành sự quan tâm đúng mức.
“Chúng tôi đang tập trung hỗ trợ cho những doanh nghiệp quy mô vừa, trung bình. Đây là những doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực tài chính nhưng họ có nhận thức tích cực về sản xuất sạch hơn, họ cần một động lực, “vốn mồi” để mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ. Cũng từ những doanh nghiệp được hỗ trợ này tạo sức lan tỏa cho những doanh nghiệp khác đổi mới theo”, ông Hạ nói.
Đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ bắt đầu từ tư vấn hỗ trợ các giải pháp để đánh giá sản xuất sạch hơn để họ nhận thức được việc sản xuất sạch hơn không khó và cần thiết phải sản xuất sạch hơn.
Ngoài chương trình khuyến công, chính sách cho vay vốn đổi mới công nghệ sản xuất khép kín của Quỹ đầu tư TP. Đà Nẵng cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao. “Dù hồ sơ nhiều điều kiện nhưng ưu điểm của Quỹ này đó là cho doanh nghiệp vay đúng mục đích để đổi mới máy móc thiết bị công nghệ để tăng khả năng khép kín sản xuất, giảm thải ra môi trường, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm”, Đại diện Công ty Bá Lộc nhận xét và cho biết “Chúng tôi đã tiếp cận và vay được nguồn vốn với lãi suất hợp lý, đúng mục đích phục vụ sản xuất. Theo tôi đây là nguồn vốn vay thiết thực nhất trong chính sách hỗ trợ tín dụng của TP. Đà Nẵng”, ông Phước nói.
Ông Lê Thanh Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng
Hiện nay có nhiều nguồn hỗ trợ vốn từ chính sách để thúc đẩy sản xuất sạch hơn mà doanh nghiệptiếp cận, có thể kể đến như:
- Chương trình khuyến công quốc gia về thí điểm mô hình sản xuất sạch hơn của Bộ Công Thương;
- Chương trình khuyến công địa phương (Đà Nẵng có nghị quyết 324 về hỗ trợ khuyến công và phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch);
- Chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị của ngành Khoa học và Công nghệ;
- Chương trình môi trường cũng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ để sản xuất sạch hơn.
Năm 2023, từ chương trình khuyến công, thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ hỗ trợ cho 14 lượt đơn vị đổi mới máy móc, sản xuất sạch hơn, với tổng kinh phí 2,41 tỷ đồng.
Trong đó, hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 3 doanh nghiệp; hỗ trợ đổi mới máy móc công nghệ cho 9 đơn vị; và hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho 2 đơn vị.
Theo: Báo Công Thương