Tín hiệu khả quanTheo Sở KHCN Hải Phòng, các DN trên địa bàn thành phố đã quan tâm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ. Tỷ trọng vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ ở các DN tăng nhanh, trình độ công nghệ của thành phố được nâng lên một bước. Một số công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới cùng với trình độ quản lý cao của đội ngũ cán bộ DN, trình độ tay nghề của công nhân theo các chuẩn mực quốc tế đã được áp dụng tại Hải Phòng.
Cụ thể, tỷ trọng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong các dự án đầu tư chiếm trên 60%, một số lĩnh vực đến 90%. Các thiết bị, công nghệ được đầu tư chủ yếu có xuất xứ từ các nước công nghiệp và các nước đang phát triển, tỷ lệ thiết bị điều khiển tự động và bán tự động ngày càng tăng. Nhóm ngành có tốc độ đổi mới công nghệ cao nhất là viễn thông, vật liệu xây dựng, điện – điện tử với tốc độ bình quân từ 12,5 – 15,9%/năm. Tiếp đến là nhóm ngành: dệt may, giày dép, vận tải, hóa chất, cao su, nhựa, gỗ, giấy, in, bao bì có tốc độ đổi mới công nghệ từ 8,9 – 11,5%/năm…
Nhờ chú trọng đổi mới công nghệ nên các sản phẩm được tạo ra có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Câu chuyện ở Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong là một ví dụ. Đại diện công ty này cho biết, để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, công ty đã không ngừng đầu tư máy móc thiết bị hiện đại của Đức, Áo, Nhật Bản… Đặc biệt là dây chuyền sản xuất ống HDPE 1.2000mm theo công nghệ Battenfel – Cincinnati (Áo) lớn nhất Việt Nam. Theo đó, sản phẩm ống nhựa ra đời từ công nghệ sản xuất mới có mức độ an toàn cao, giảm thiểu hư hỏng, rò rỉ trong qua trình sử dụng và thuận lợi cho việc lắp đặt, ngay cả trên những địa hình phức tạp.
Tập trung vào các ngành quan trọngTheo Sở KHCN, Hải Phòng đang hết sức chú trọng tới phát triển KHCN, coi đây là nhân tố quan trọng, động lực, quyết định sự phát triển của thành phố. Chủ trương của tỉnh, phấn đấu từ nay đến năm 2020, tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị đạt 20-25%/năm, giá trị giao dịch của thị trường KHCN tăng trung bình 15-20%/năm. Đặc biệt, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ phấn đấu đạt trên 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2020. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực cơ khí, chế tạo; điện tử, điện lạnh, tin học; công nghiệp hóa chất, nhựa; đúc, luyện kim, cán, kéo thép; dệt may, giày dép, sản xuất vật liệu xây dựng…
Cụ thể, trong ngành cơ khí, chế tạo, sẽ tập trung đổi mới công nghệ những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm như thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, chế tạo những linh kiện phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao. Hay trong ngành luyện kim, chú trọng tiếp thu công nghệ sản xuất các kim loại cao cấp có hàm lượng cacbon và các tạp chất thấp. Trong ngành dệt may, giày dép, sẽ đầu tư công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu để chủ động cung ứng từ trong nước, tạo tiền đề hạn chế dần tình trạng làm gia công…
Để đạt các mục tiêu này, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về đổi mới công nghệ; tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ quản lý DN. Phát triển các hoạt động hội chợ, xúc tiến mua bán công nghệ, sản phẩm công nghệ. Đồng thời, hỗ trợ DN khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về công nghệ; tìm kiếm công nghệ, giải mã công nghệ, tham gia chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Bên cạnh đó, sẽ lựa chọn các DN, cơ sở cần được ưu tiên đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ.
Ông Hòa Quang Thiệp – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần SIVICO: Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ hiệu quả nhất từ các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước để có thể đổi mới công nghệ một cách toàn diện, tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong thời kỳ hội nhập. |