Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:42 GMT+7

Sản xuất bền vững

Doanh nghiệp ngành giấy đổi mới công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn "xanh"

04/07/2023

Ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế, với nhu cầu ngày càng tăng. Năm 2022, năng lực sản xuất toàn ngành đạt khoảng 8,2 triệu tấn, tiêu thụ 6,8 triệu tấn, nhập khẩu 1,8 triệu tấn, xuất khẩu 0,8 triệu tấn. 
Tuy nhiên, ngành sản xuất giấy cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm không khí, nước thải… Tại Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất giấy có quy định ngày càng cao về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Do đó, các doanh nghiệp ngành giấy đã và đang đổi mới công nghệ nhằm giảm ô nhiễm môi trường và tăng giá trị sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.
Điển hình là Công ty cổ phần Bột - Giấy VNT19 có diện tích 117 ha tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với quy mô công suất 350.000 tấn/năm. Mục tiêu hàng đầu của Nhà máy là phát triển xanh và bền vững. Nhà máy đã đầu tư nhiều hạng mục, cam kết việc sản xuất gắn liền với các biện pháp bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển xanh.
Nhà máy Bột-Giấy VNT19 sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo tiêu chí bảo vệ môi trường.
Theo đó, Nhà máy Bột - Giấy VNT19 đang sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất bột giấy phổ biến nhất hiện nay trên thế giới, các thiết bị chính và phụ trợ hoạt động, giám sát, điều khiển, bảo vệ được tự động hóa hoàn toàn, có độ chính xác và tin cậy cao, hầu hết các thiết bị này đều có xuất xứ từ châu Âu. Cụ thể, nhà máy hiện đang sử dụng công nghệ nấu bột liên tục đẳng nhiệt (Isothermal cooking-ITC), hệ thống thu hồi hóa chất khép kín và hệ thống tẩy trắng bột giấy với công nghệ tẩy ECF tiên tiến, phổ biến nhất hiện nay. Quy trình này không sử dụng nguyên tố Clo để tẩy trắng, có chi phí vận hành thấp, bột có chất lượng cao hơn trong khi mức độ ô nhiễm môi trường thấp hơn, rất thân thiện với môi trường.
Để hạn chế nguồn phát nước thải, nước rửa bột giai đoạn sau được tận dụng tối đa làm nước rửa bột cho giai đoạn trước. Giải pháp kỹ thuật này đã được tính toán thiết kế và tối ưu trong quá trình thiết kế. Toàn bộ dịch đen loãng được thu hồi trong một vòng tuần hoàn khép kín, cô đặc để làm nhiên liệu cho lò hơi thu hồi sinh hơi nước để phát điện cho nhà máy công suất 54 MW, đồng thời tiết giảm nguồn phát thải, hạn chế tác động đến môi trường.
Ngoài ra, toàn bộ nhu cầu hơi và điện năng cấp cho sản xuất của nhà máy sẽ do hệ thống lò hơi thu hồi, lò hơi đốt than tầng sôi và tuabin phát điện của phân xưởng động lực đảm nhiệm. Lượng điện dư thừa hoặc thiếu hụt sẽ được bán hoặc mua từ điện lưới quốc gia.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh sẽ giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận khách hàng.
Công ty cổ phần Giấy An hòa (Tuyên Quang) cũng đã và đang thực hiện nhiều cách làm để kiểm soát vấn đề môi trường trong sản xuất. Hiện tại, các bộ phận sản xuất của công ty đều đã áp dụng các dây chuyền khép kín, giúp sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất việc làm ô nhiễm môi trường xung quanh. 
Công ty cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng, giảm xả thải, bảo đảm hệ sinh thái đối với môi trường xung quanh. Cụ thể, năm 2016, công ty đã tiến hành cải tạo tất cả các công đoạn của hệ thống xử lý nước thải, từ đầu vào, tới xử lý cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Sau khi xử lý, các chỉ số đánh giá nước thải, màu và hàm lượng chất rắn trong nước thải luôn luôn đạt tiêu chuẩn loại A - Quy chuẩn Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nước thải của ngành công nghiệp bột giấy và giấy. 
Năm 2017, công ty tiếp tục đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát nước thải, đáp ứng tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Cứ 5 phút một lần, hệ thống sẽ truyền trực tiếp kết quả quan trắc nước thải sau xử lý về phòng điều khiển của Nhà máy và trung tâm kiểm soát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang. Với việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kiểm soát nước thải, Công ty cổ phần Giấy An Hòa đã trở thành đơn vị đầu tiên tại Tuyên Quang làm điều này. Điều đó thể hiện sự nỗ lực của công ty trong công tác xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc gia, đảm bảo môi trường sản xuất xanh, sạch đẹp.
Đoàn CB lãnh đạo Hiệp hội  Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang tham quan hoạt động bảo vệ môi trường của Công ty CP Giấy An Hòa.
Đẩy mạnh sản xuất, vừa gắn với bảo vệ môi trường chính là cách làm mà Công ty cổ phần Giấy An hòa tập trung thực hiện, vừa là để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, vừa là để đảm bảo sản xuất bền vững. Điều đó cũng sẽ góp phần tích cực cùng với tỉnh Tuyên Quang thực hiện tốt giải pháp về môi trường, hướng đến sản xuất công nghiệp sạch, công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Như vậy có thể thấy, con đường sản xuất xanh gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng mà nếu doanh nghiệp nào đi trước, đón đầu sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội để phát triển bền vững trong tương lai.
Hương Linh