Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 11:44 GMT+7

Sản xuất bền vững

Bước tiến mới về sản xuất sạch hơn trong doanh nghiệp

16/05/2023

Sau 12 năm triển khai chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, doanh nghiệp cũng như người dân đã nhận thức được lợi ích, vai trò của việc áp dụng sản xuất sạch hơn, đặc biệt tiêu dùng bền vững gắn với mục tiêu sản xuất.
Tăng cơ hội thị trường
Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương), thời gian qua, sản xuất sạch hơn (SXSH) được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững. Đến nay, đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp (DN) trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nỗ lực sản xuất sạch hơn trong ngành gốm sứ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại công ty Gốm sứ Cường Phát (TP.Thuận An)
Thêm vào đó, việc nhận thức tầm quan trọng của môi trường làm việc sạch và an toàn đang ngày một gia tăng trong số các công nhân. Bằng cách bảo đảm các điều kiện làm việc thích hợp thông qua thực hành SXSH, DN có thể làm tăng ý thức của các cán bộ, công nhân đồng thời xây dựng ý thức kiểm soát chất thải. Các hoạt động như vậy sẽ giúp cho DN đạt được khả năng cạnh tranh.
Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát (TP.Thuận An), cho rằng SXSH luôn hướng tới hiệu suất sử dụng đầu vào gần tới 100% trong giới hạn về khả thi kinh tế. Những công đoạn trong quy trình SXSH giúp DN tiếp cận mang tính chủ động giảm chất thải tại nguồn trong quản lý chất thải. Điều đầu tiên, các DN áp dụng SXSH sẽ giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn. Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng SXSH không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cả lợi ích về mặt môi trường. Các lợi ích này bao gồm: Cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; giảm ô nhiễm; giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; tạo nên hình ảnh về mình tốt hơn; cải thiện sức khỏe nghề nghiệp và an toàn.
“Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường đã dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu về sản phẩm xanh tại thị trường trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, khi DN đã có những nỗ lực nhận thức về SXSH có thể mở ra được nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn, có thể bán ra với giá cao hơn. SXSH phản ánh và cải thiện hình ảnh chung về DN của bạn. Một công ty với hình ảnh “xanh” sẽ được cả xã hội đón nhận dễ dàng hơn, nhất là đối với các đối tác nước ngoài”, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty gỗ ván ép Nhật Nam (TX.Bến Cát) cho biết.
Theo ông Huỳnh Văn Liên, Giám đốc Công ty phân bón Việt Liên (TX.Bến Cát) thì công ty đã và đang hành động thiết thực trong việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường như: Bước đầu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất của mình từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng, góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững.
Nỗ lực vì mục tiêu chung
Dù đạt được những bước tiến lớn song hiện quá trình triển khai chiến lược SXSH tại các DN đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là nhiều DN chưa mạnh dạn trong thực hiện SXSH. Đối với các DN vừa và nhỏ thì thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, thực hiện các giải pháp đầu tư lớn. Theo ngành công thương, trong giai đoạn 2021-2030, bám sát chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ tập trung thực thiện tốt mục tiêu thứ 12 trong phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong đó, ngành công thương sẽ hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng, khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên vật liệu có thế tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, phát triển và phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa, tạo công ăn việc làm ổn định, việc làm xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy lối sống bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Các hoạt động nói trên sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia: Giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể dệt may, đồ uống, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản; xây dựng, áp dụng các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến, nhân rộng các mô hình về SXSH, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống tiêu dùng bền vững. 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững. 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại…
Theo: Báo Bình Dương