Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:08 GMT+7

Sản xuất bền vững

Máy sấy bằng năng lượng mặt trời: Phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu

08/07/2023

Thiết bị sấy của thầy giáo Phan Văn Hiệp (Trường Đại học Văn Hiến) là một sản phẩm sáng chế phải thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất nặng nề đến nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. 
Việt Nam là quốc gia mạnh về sản xuất nông sản, đây là một lợi thế cho việc phát triển kinh doanh, xuất khẩu sang thị trường thế giới. Nhưng hiện nay, nông sản Việt Nam chủ yếu là xuất thô, do đó giá trị kinh tế mang lại cho người nông dân chưa cao bằng các sản phẩm khô đã được chế biến sau thu hoạch.
Ảnh minh hoạ (Internet)
Nắm rõ những hạn chế đó, thời gian qua, các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp sấy nông sản ứng dụng năng lượng mặt trời để kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, các phương pháp thủ công chưa  mang lại hiệu quả cao về hiệu suất, không sấy được sản lượng lớn, không kiểm soát được các thông số sấy như nhiệt độ, về tốc độ gió nên sản phẩm sấy không đạt chất lượng cao. Ngoài ra, những giải pháp phơi truyền thống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trăn trở về vấn đề này trong một thời gian dài, ThS. Phan Văn Hiệp (giảng viên khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến) đã nghiên cứu và chế tạo ra máy sấy nông sản ứng dụng năng lượng mặt trời với nguyên lý hiệu ứng nhà kính để hỗ trợ người dân trong quá trình chế biến sau thu hoạch.
ThS. Phan Văn Hiệp (bên trái) - người sáng chế máy sấy ITS ứng dụng năng lượng mặt trời làm khô các loại nông sản. (Ảnh: NVCC)
Máy sấy nông sản ITS ứng dụng năng lượng mặt trời được chế tạo gồm 2 bộ phận bộ thu nhiệt và buồng sấy. Trong đó, buồng sấy được chế tạo theo công nghệ sấy động với các dàn sấy chuyển động quay quanh trục cố định và sử dụng dòng không khí sấy hồi lưu; các bộ phận điều chỉnh tự động tốc độ quay của dàn sấy và tốc độ dòng không khí theo nhiệt độ đo được bên trong buồng sấy; mức điều chỉnh tự động độ ẩm theo thông số cảm biến độ ẩm…
Thiết bị ứng dụng công nghệ sấy động giúp cho các sản phẩm chuyển động liên tục, nhờ đó mọi vị trí trên trên vỉ sấy, mọi tầng vỉ sấy đều nhận được gió và nhiệt đều như nhau, nên sản phẩm khô rất nhanh và đồng đều. Đặc biệt, trong quá trình sấy có thể gia tăng thêm số tầng sấy để tiết kiệm được không gian và tăng được sản lượng nông sản sấy.
Thiết bị máy sấy 1 tấn hủ tiếu khô mỗi mẻ được lắp đặt tại một hộ dân ở Tam Binh, tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: NVCC)
Điểm mới trong thiết bị này là bẫy nhiệt mặt trời hay còn gọi là hệ thống thu năng mặt trời do thạc sĩ chế tạo. Theo đó, thiết bị này sẽ thu sáng mặt trời chiếu qua lớp kính polycarbonate đặc ruột, gặp tấm tole màu đen mờ (có tác dụng hấp thụ nhiệt tối ưu) được uốn lượn sóng (để tăng diện tích tiếp xúc), đốt nóng luồng không khí sau khi đi qua cửa lọc bụi và thổi luồng khí nóng này xuống đáy buồng sấy. Quá trình hoạt động không phụ thuộc vào thời tiết; hoạt động không tạo ra chất thải, do vậy rất thân thiện với môi trường.
Sản phẩm sáng chế phải thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất nặng nề đến nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Thiết bị này ngoài việc tận dụng được nguồn năng lượng sạch còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của bà con nông dân, hướng đến việc nâng tầm thương hiệu và chất lượng nông sản, thủy sản Việt Nam”, ThS. Phan Văn Hiệp cho hay.
Sản phẩm được được xem là một thiết bị sấy đa năng khi có thể sấy được nhiều sản phẩm khác nhau nhờ việc cài đặt bộ thông số sấy linh động trên giao diện LCD. Đồng thời, kết hợp với luồng không khí đã được tách ẩm; kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió… rất chặt chẽ, màu sắc cảm quan của sản phẩm tương đương phơi nắng nên rất đẹp, giữ được đa số dinh dưỡng.
Sản phẩm được sấy khô đồng đều và giữ được màu sắc rất đẹp. (Ảnh: NVCC)
Đặc biệt, thiết bị sấy có tính tự động hóa cao nên cắt giảm được số lượng nhân công, từ đó tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và tiết kiệm nguồn năng lượng. Theo đó, máy sấy tiết kiệm điện năng lên đến trên 90% so với thiết bị bơm nhiệt tương ứng. Mỗi mẻ vận hành trong điều kiện có nắng chỉ tiêu tốn trung bình 0,6kWh/giờ; trong điều kiện thiếu nắng (trời mưa, âm u hay ban đêm) tiêu tốn trung bình 2.5 kWh/giờ, nhưng vẫn cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thu về lợi nhuận cao hơn so với phương pháp sấy truyền thống.
Tuệ Lâm