Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:26 GMT+7

Sản xuất bền vững

Thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu - Góc nhìn từ nhà sản xuất điều hòa không khí lớn nhất thế giới

10/06/2022

Ông Masanori Togawa, CEO Daikin, đã có những chia sẻ về các thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu. Dưới góc nhìn của đại diện hãng sản xuất điều hòa không khí lớn nhất hành tinh, nóng lên toàn cầu là cơ hội lớn cho ngành, nhưng cũng đưa ra thách thức về việc làm thế nào để trung hòa carbon.

Trái đất đang ấm dần lên. Với hàng tỷ người điều này mang đến nhiều rủi ro, nhưng với Daikin, nhà sản xuất điều hòa không khí (DHKK) lớn nhất thế giới, đây là cơ hội. 

Dự tính đến năm 2050, nhu cầu DHKK toàn cầu sẽ tăng gấp ba lần so với hiện tại, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Một chiếc DHKK có thể giải quyết vấn đề này cho các gia đình. Nhưng điều hòa thì tốn điện. Đồng thời, về cơ bản các hệ thống lạnh vẫn đang sử dụng các môi chất lạnh có hại cho môi trường. 

Trong bối cảnh đó, nhà sản xuất DHKK lớn nhất hành tinh đã đưa ra cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Về cơ bản, các nhà đầu tư và Ban Giám giám đốc Daikin, mà đại diện là Tổng Giám đốc Masanori Togawa, đã chứng minh quyết tâm này bằng cách đổ hàng tỷ USD cho hoạt động R&D. Các khoản chi mạnh tay nhằm tìm kiếm giải pháp công nghệ đột phá, cải thiện hiệu quả các hệ thống máy DHKK của họ. 

CEO Daikin ông Masanori Togawa. Nguồn ảnh: Daikin. 

Qua tám năm lãnh đạo Daikin, ông Masanori Togawa đã giúp cổ phiếu doanh nghiệp tăng gấp ba lần, vượt qua cả Chỉ số Topix của Nhật Bản. Tuy chuỗi cung ứng đã bị ảnh hưởng nặng do đợt COVID vừa qua, CEO Daikin tự tin cho biết doanh nghiệp đã đảm bảo nguồn cung chip. Trong một buổi phỏng vấn gần đây với Bloomberg, vị CEO kỳ cựu người Nhật này khẳng định ông sẽ lèo lái con thuyền vượt qua những sóng gió, và nắm bắt cơ hội trước mắt. 

Mục tiêu net-zero: thời điểm then chốt 

Theo nội dung được chia sẻ từ Bloomberg, ông Togawa cho rằng DHKK không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, cả những lúc thời tiết nóng hay lạnh. Đồng thời, nó cũng là công cụ điều chỉnh các giá trị sinh trắc học phù hợp với sức khỏe con người. Một văn phòng hay nhà máy không có DHKK sẽ không thể vận hành năng suất. 

Vị CEO chia sẻ, vấn đề là yêu cầu giảm carbon đang cấp thiết hơn bao giờ hết. “Câu hỏi là chúng ta có thể giải quyết vấn đề môi trường như thế nào. Cần thay đổi cách nghĩ, coi việc trung hòa phát thải là cơ hội để phát triển kinh doanh và cho cả nền kinh tế”, ông Togawa cho biết. 

Chia sẻ về mục tiêu trung hòa carbon và tính thực tiễn của nó, ông Togawa cho biết để đạt đến mục tiêu này, ít nhất cần giảm 50% lượng phát thải carbon vào năm 2030. “Điều này đồng nghĩa với việc phải đạt được tất cả các sáng kiến và cải tiến cần thiết. Nếu không, mục tiêu trung hòa carbon là bất khả thi”, vị CEO khẳng định.  

Các yếu tố công nghệ cốt lõi

Theo tính toán của IEA, nhu cầu cho DHKK sẽ tăng gấp ba lần tới năm 2050, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng điện cũng tăng gấp ba. Với năng lực công nghệ hiện tại, con số này là không khả thi. Hiện tại, doanh nghiệp đang nỗ lực làm việc với các trường đại học, viện nghiên cứu, đồng thời đầu tư vào các công nghệ, giải pháp mới để giải quyết vấn đề. 

Dây chuyền lắp ráp điều hòa không khí Daikin ở một nhà máy tại tỉnh Shiga, Nhật Bản. Nguồn ảnh: Daikin.

Các công nghệ có khả năng đem đến lời giải, như điện lạnh từ tính (magnetic refrigeration), có thể làm nóng hoặc lạnh chỉ với việc sử dụng các cực nam châm âm và dương. Hiện tại, công nghệ mới chỉ cho phép ở quy mô không gian nhỏ. “Lời giải sẽ nằm ở việc chúng ta có thể hiện thực hóa việc nâng quy mô công nghệ trong không gian lớn hơn, với chi phí thấp hơn không”, ông Togawa cho biết. 

Được biết, doanh nghiệp đang đi sâu vào các nghiên cứu với vật liệu từ tính để giải bài toán trung hòa carbon vào năm 2050. Chia sẻ về tiềm năng công nghệ, vị CEO thể hiện tinh thần lạc quan. “Chúng ta hiện có nhiều công nghệ hơn chúng ta tưởng, như công nghệ biến tần (inverter), sưởi nhiệt và công nghệ làm lạnh có chỉ số GWP thấp (chỉ số làm nóng toàn cầu - global warming potential). Cần tập trung vào những công nghệ này.”, ông Togawa khẳng định. 

Với công nghệ inverter, vị CEO dẫn chứng, người tiêu dùng Nhật Bản gần như chỉ dùng DHKK ứng dụng inverter. Nhưng chỉ 60% DHKK ở Trung Quốc có inverter, con số này thậm chí còn thấp hơn ở Đông Nam Á và châu Phi. Lý do là vì chi phí cao hơn so với điều hòa không có inverter. Do đó, cần tập trung vào việc giảm chi phí điều hòa hiệu quả năng lượng. 

Trong lĩnh vực sưởi, sưởi dầu hoặc ga vẫn chiếm đa số. Ngay cả khu vực châu Âu nơi có những quy định khá chặt chẽ về sử dụng thiết bị thân thiện môi trường, thì công nghệ sưởi nhiệt vẫn chỉ chiếm hơn 10%. Phải đến năm 2030 châu Âu mới loại bỏ hoàn toàn công nghệ sưởi dùng nhiên liệu hóa thạch. 

“Nếu công nghệ thân thiện môi trường có thể phổ biến gần 100% thị trường, tác động sẽ là rất lớn. Sau inverter, sưởi nhiệt sẽ là sự khác biệt trong các sản phẩm của chúng tôi”, vị CEO cho biết. 

Chia sẻ về các công nghệ cải tiến môi chất làm lạnh, một điểm cốt yếu khiến DHKK bị coi là không “thân thiện môi trường”, ông Togawa cho biết doanh nghiệp đang thúc đẩy các dòng máy sử dụng môi chất R-32. Loại môi chất này có chỉ số GWP khoảng 700, thấp hơn đáng kể so với môi chất đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là R-410A, với chỉ số GWP 2000. Đồng thời, theo ông Togawa, các giải pháp thu hồi, tái sử dụng và loại bỏ đúng cách cũng cần được cân nhắc nhằm giảm phát thải carbon. 

Các yếu tố điều tiết thị trường

Nói về xu hướng sử dụng DHKK của người tiêu dùng sau COVID, vị CEO cho biết an toàn và sức khỏe là hai yếu tố đang được xem xét ưu tiên hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các yếu tố như tạo ẩm, hút ẩm, thông gió, làm sạch và khử khuẩn không khí… đều cần được xem xét.

Chia sẻ về nguồn cung ứng chip, một trong các yếu tố nhạy cảm ảnh hưởng mạnh tới giá thiết bị trong bối cảnh hậu COVID, ông Togawa cho biết nguồn cung đang khá căng thẳng. Tuy nhiên đây không phải là tất cả. “Giá chip hiện tại đang cao hơn so với thông thường. Nguồn cung ứng chip và các thiết thị điện tử dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp tới mùa thu năm nay. Tất nhiên điều này ảnh hưởng tới thị trường. Ngoài ra, các yếu tố khác, gồm phân phối và dịch vụ, cũng sẽ chi phối giá.”, vị CEO cho biết.

Theo chia sẻ từ ông Togawa, doanh nghiệp coi việc phát triển các công nghệ DHKK không chỉ là vấn đề kinh doanh mà còn có ý nghĩa xã hội. Vị CEO cho biết nếu xem xét từ khía cạnh DHKK có thể hạn chế số trường hợp thương vong trong mỗi đợt nắng nóng cao điểm toàn cầu, thì “ngành thương mại này có thể đóng góp cho xã hội”, ông Togawa khẳng định. 

An Nhiên biên dịch (Theo Bloomberg)