Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:11 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Đưa sản xuất xi măng vào quy hoạch bảo vệ môi trường

26/04/2022

Nhiều người không khỏi sửng sốt trước đề xuất đưa sản xuất xi măng vào quy hoạch bảo vệ môi trường, khi từ trước đến nay vẫn coi đây là ngành phát thải gây ô nhiễm rất nặng nề. 
Dùng chất thải để sản xuất xi măng
Theo ông Phạm Văn Nhận, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), tiềm năng xử lý chất thải trong ngành xi măng rất lớn. Đây là giải pháp có nhiều lợi thế khi xử lý triệt để các loại chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại.
Ngoài ra, có thể xử lý khối lượng lớn do tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao sẵn có trong dây chuyền sản xuất, không đòi hỏi cao về phân loại rác, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp và hệ thống giám sát khí thải liên tục 24/7. Nhờ đó, không cần các bãi chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan. Đáng tiếc, hiện cả nước có gần 90 dây chuyền sản xuất xi măng nhưng mới chỉ có 3 đơn vị xử lý chất thải và chất thải nguy hại là Công ty Xi măng Insee (Kiên Giang), Công ty TNHH Sản xuất xi măng Thành Công (Hải Dương) và Công ty xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Chất thải công nghiệp thông thường được đưa vào sản xuất xi măng tại Nhà máy xi măng Bút Sơn ở Hà Nam.
Theo ông Phạm Văn Nhận, với số lượng ít ỏi đơn vị này, chắc chắn không không xử lý xuể khối lượng chất thải. Trong khi đó, Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và coi rác thải cũng là tài nguyên. Từ trước đến nay, nhiều người vẫn coi sản xuất xi măng sẽ gây phát thải, ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển thì quan niệm này đã trở nên lạc hậu.
Ông Phạm Văn Nhận cho biết thêm, từ năm 2019 đến nay, VICEM và một số đơn vị thành viên đã thử nghiệm và thành công chương trình xử lý rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker, xi măng. Đồng thời, tăng sử dụng tro xỉ, thạch cao nhân tạo.
Năm 2020, VICEM đã xử lý bùn thải tại 5 dây chuyền thuộc 4 đơn vị sản xuất xi măng (Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long, Hà Tiên 1) với tổng khối lượng 15.000 tấn bùn thải. Năm 2021 là hơn 70.000 tấn bùn thải, giúp thay thế 3 - 5% nguyên liệu sét. Kế hoạch năm 2022 toàn VICEM xử lý là 86.000 tấn bùn thải.
Rác thải công nghiệp thông thường cũng được VICEM xử lý tại 7 dây chuyền thuộc 5 đơn vị sản xuất, với tổng khối lượng rác gần 120.000 tấn (năm 2020); hơn 200.000 tấn (năm 2021); kế hoạch năm 2022 toàn VICEM xử lý khoảng 276.000 tấn rác thải làm nhiên thay thế. Hiệu quả kinh tế khi thử nghiệm xử lý rác thải ở những dây chuyền xử lý thủ công tiết giảm được chi phí sản xuất từ 3.000 - 5.000 đồng/tấn clinker, những dây chuyền xử lý bán tự động tiết giảm chi phí sản xuất từ 8.000 - 15.000 đồng/tấn clinker.
Từ cuối năm 2021, VICEM Bút Sơn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại. Đến nay, sau gần 5 tháng vận hành thử nghiệm, đơn vị xử lý thành công hơn 4.172 tấn chất thải nguy hại, với mức hỗ trợ chi phí xử lý là 400.000 đồng/tấn.
Công nghệ đưa chất thải vào sản xuất xi măng tại Nhà máy xi măng Bút Sơn ở Hà Nam
Thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng 2050, VICEM đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo. Năm 2021, tổng lượng tro, xỉ các loại sử dụng toàn VICEM đạt gần 2,6 triệu tấn; kế hoạch năm 2022 sử dụng trên 3 triệu tấn, tương đương với tỷ lệ sử dụng là 11,5%.
VICEM cũng đã nghiên cứu, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên. Năm 2020 lượng thạch cao nhân tạo sử dụng là 25.000 tấn, năm 2021 thực hiện là 122.000 tấn tăng gần 100.000 tấn so với năm 2020, riêng tại VICEM Sông Thao đã sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế 100% thạch cao tự nhiên.
Nghịch lý khó tiếp cận chất thải để sản xuất xi măng
Theo lãnh đạo VICEM, dù công nghệ có thể xử lý chất thải thành xi măng hữu ích nhưng thực tế, đơn vị này đang phải mua rác thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo và gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn phát thải, đầu tư mở rộng quy mô và tăng lượng chất thải xử lý.
Nguyên nhân, theo quy định hiện nay, các đơn vị sản xuất xi măng không thuộc quy hoạch của địa phương về các cơ sở xử lý chất thải, chưa đáp ứng điều kiện xử lý chất thải nguy hại, đồng thời, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng khuyến khích doanh nghiệp… VICEM chưa tiếp cận trực tiếp được nguồn cấp tro, xỉ mà mua từ đơn vị cung cấp thương mại, chi phí logistic cao. Thậm chí, chi phí tro, xỉ về đến nhà máy cao hơn từ 5 - 8 lần giá sét.
Chính vì vậy, VICEM đã đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung các đơn vị sản xuất xi măng thuộc quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh để được tham gia đồng xử lý chất thải; sửa đổi quy chuẩn QCVN 41:2011/BTNMT cho phép các đơn vị sản xuất xi măng được xử lý chất thải công nghiệp thông thường và đồng xử lý chất thải nguy hại.
Dù đẩy mạnh đưa chất thải vào sản xuất xi măng, phát triển kinh tế tuần hoàn nhưng cơ chế tiếp cận nguồn thải đang có nhiều vướng mắc.
Đồng thời, VICEM kiến nghị bộ, ngành xem xét từng bước thí điểm xây dựng thị trường chất thải công nghiệp thông thường cạnh tranh; xây dựng quota phát thải chất thải, hình thành cơ chế tự phân loại, sơ chế chất thải tại nguồn khi thị trường tín dụng rác thải đi vào hoạt động; xây dựng, bổ sung quy định, chỉ dẫn về việc dán nhãn hiệu sản xuất xanh, thân thiện môi trường. VICEM cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể chi phí xử lý cho từng loại chất thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo… công bố công khai để thu hút, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn phát thải.
Về các kiến nghị của VICEM, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, VICEM cần tổng kết đánh giá ưu và nhược điểm của mô hình kinh tế tuần hoàn này. Đồng thời, có kiến nghị đề xuất để Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ. Theo Bộ trưởng Nghị, mô hình đồng xử lý cần được nhân rộng.
Tuy nhiên, thời gian tới, cần hoàn thiện, nâng cấp quy trình công nghệ xử lý, đặc biệt là công nghệ xử lý chất thải, tiến tới tự động hoá. Bổ sung thiết bị, đa dạng hoá xử lý các loại chất thải khác. Nâng cao tỷ lệ thay thế nguyên nhiên liệu tự nhiên trong sản xuất xi măng kết hợp công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, phát thải các bon thấp.
Nguồn Báo Thanh niên