Thúc đẩy tái chế sau sản xuất
19/04/2022
Trong nền kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh mà Việt Nam đang hướng tới, phụ phẩm và chất thải trong quá trình sản xuất được coi là tài nguyên tái tạo.
Chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được ưu điểm của nguyên tắc thông tư này và đầu tư mạnh vào tái chế chất thải, giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, giảm chi phí xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Kéo dài vòng đời cho chất thải
Theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, việc sản xuất hàng triệu tấn thép tại nhà máy ở Dung Quất tạo ra nhiệt lượng rất lớn. Để không lãng phí nguồn nhiệt này, năm 2020 Hòa Phát đã đầu tư bốn tổ máy phát điện tận dụng nhiệt dư có công suất lên đến 240MW. Tổng lượng phát điện lên trạm trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 815 triệu kWh. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã tự cung cấp được gần 80% lượng điện cần thiết cho sản xuất thép và chỉ cần mua 20% còn lại.
Dây chuyền tái chế xỉ lò cao của Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Hòa Phát.
Ngoài ra, Hòa Phát còn đẩy mạnh hoạt động tái chế xỉ lò cao thành vật liệu xây dựng. Bột xỉ lò cao mịn là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất gang thép bằng công nghệ lò cao khép kín. Nhờ khả năng làm nguội cực nhanh bằng nước áp suất cao, xỉ hạt lò cao là phụ gia khoáng hoạt tính rất tốt cho xi măng và bê tông.
Đầu năm 2018, thực hiện chủ trương chế biến, xử lý sâu tại chỗ và tận dụng nguồn nhiệt dư trong quá trình luyện gang thép, Tập đoàn Hòa Phát đã cải tạo hệ thống tạo xỉ hạt bằng nước lạnh áp lực cao và đầu tư thêm một dây chuyền nghiền xỉ hạt lò cao tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hải Dương. Đây là dây chuyền công nghệ nghiền đứng, đồng bộ vào loại hiện đại nhất hiện nay, công suất 115 tấn/h, tương đương 750.000 tấn/năm.
Năm 2020 lô xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 đầu tiên của Hòa Phát đã chính thức được đưa ra thị trường. Toàn bộ sản phẩm đã được các doanh nghiệp sản xuất xi măng, bê tông trong và ngoài nước, các nhà thầu xây dựng, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội bê tông cọc Việt Nam đăng ký mua hoặc làm nhà phân phối.
Bao bì đóng gói sản phẩm xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 xuất khẩu. Ảnh: Hòa Phát.
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cũng tích cực thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Ông Fausto Tazzi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH La Vie cho biết, hiện nay hầu như toàn bộ bao bì sản phẩm của La Vie đều có thể tái chế 100%.
Đầu năm 2021, La Vie sử dụng bình nước làm từ nhựa tái chế (rPET) đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đại diện đơn vị này cũng khẳng định luôn khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất rPET và sẵn sàng mua các sản phẩm đủ tiêu chuẩn để làm bao bì sản phẩm cho công ty của mình.
Ngành thực phẩm đồ, sữa, đồ uống thuộc nhóm các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) tạo ra một lượng lớn rác thải bao bì nhựa và rác thải khó phân hủy như vỏ chai nhựa, vỏ hộp sữa dán nhôm… Đây cũng là nhóm các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sớm nhất sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực.
Trước đó, vào năm 2019, 9 ông lớn trong lĩnh vực FMCG đã bắt tay với nhau thành lập Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Mục tiêu là hạn chế ảnh hưởng môi trường tiêu cực của các sản phẩm bao bì do chính mình sản xuất, mở rộng khả năng tái chế cho bao bì, vỏ hộp. Hiện nay số lượng thành viên PRO Vietnam đã lên con số 19. Năm nay, Liên minh đặt mục tiêu tái chế ít nhất 3.000 tấn đối với mỗi loại vật liệu PET, UBC, Laminates.
Chưa có thống kê chính thức về số lượng doanh nghiệp tái chế chất thải trong quá trình sản xuất, nhưng theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, tư duy về quản lý chất thải ở nhiều doanh nghiệp đang có sự thay đổi. Nhiều doanh nghiệp đã coi chất thải là tài nguyên, là nguyên liệu đầu vào của một quá trình sản xuất mới. Nhiều loại vật liệu trước chỉ được coi là phế thải, nay đã là nguyên liệu đầu vào có giá trị như xơ dừa, rơm rạ, trấu trở thành nguyên liệu làm nấm rơm, thảm; gỗ vụn, mùn cưa là nguyên liệu làm viên nén gỗ; phế thải thủy sản qua chế biến làm thức ăn chăn nuôi....
Người gây ô nhiễm phải trả tiền
Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải cao nhất trên toàn cầu. Trong đó, chúng ta xếp thứ tư thế giới về lượng rác thải nhựa ra môi trường, ước tính khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm.
Nghịch lý là Việt Nam cũng là nước nhập khẩu phế liệu lớn thứ hai thế giới. Không chỉ nhựa, mỗi năm khoảng 10 triệu tấn phế liệu các loại cũng được nhập khẩu vào nước ta. Riêng năm 2019, Việt Nam nhập hơn 18 triệu tấn phế liệu, bao gồm sắt thép, giấy, nhựa. Điều này phản ánh thực trạng đáng buồn là trong khi các nguồn nguyên liệu có thể tái chế vẫn bị vứt bỏ một cách lãng phí, thì các nhà sản xuất phải chi tiền để mua các loại phế liệu. Chưa kể chi phí phải bỏ ra để xử lý các loại chất thải này cũng không nhỏ.
Theo định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ 1/1/2022 các nhà sản xuất sẽ phải có trách nhiệm mở rộng (EPR) tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời sản phẩm do mình sản xuất ra.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường Phan Tuấn Hùng đánh giá EPR là chính sách môi trường thực hiện theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Cách tiếp cận này có hiệu quả trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính hoặc một phần trách nhiệm quản lý chất thải rắn của chính quyền địa phương với các nhà sản xuất và nhập khẩu. Tại nhiều địa phương, các phong trào tái chế đã có sự tham gia của một số doanh nghiệp cho thấy vấn đề này đang dần được xem trọng hơn.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường Phan Tuấn Hùng: EPR là chính sách môi trường thực hiện theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Tuy nhiên, để EPR thực sự hiệu quả, theo quan điểm của nhiều nhà sản xuất và chuyên gia, điều quan trọng là phải có sự tham gia của nhiều bên, gồm nhà sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng, đơn vị thu gom… để hình thành hệ sinh thái thu gom - tái chế.
Ví dụ tại Hàn Quốc là quốc gia có các chương trình thu gom, tái chế rất thành công, Chính phủ đã áp dụng các quy định chặt chẽ để mỗi cá nhân, doanh nghiệp bắt buộc phải có ý thức phân loại rác. Người dân, hoặc doanh nghiệp phải trả tiền cho mỗi cân rác không thể tái chế. Nếu cố tình lách luật sẽ bị phạt rất nặng. Việc phân loại này nhằm tạo điều kiện cho việc vận hành tại các công đoạn tái chế sau thu gom.
Từ kinh nghiệm này cho thấy vai trò tham gia của từng cá nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế tái chế là rất quan trọng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng vai trò điều phối, xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn của nhà nước trong hình thành một thị trường tái chế chất lượng cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó là tạo dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng để cơ hội cho tất cả các bên. Có như vậy mới kích thích sự tham gia, đầu tư của mọi thành phần kinh tế.
Ngoài việc doanh nghiệp tự thu gom, tái chế, hoặc thuê đơn vị trung gian tái chế chất thải của mình; thì phương án khác là đóng góp vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam do cơ quan quản lý phụ trách để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải. Khi cơ chế EPR được thực hiện đúng, đủ và theo các yêu cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm bảo sự luân chuyển giữa nguyên liệu đầu vào và chất thải đầu ra trong sản xuất.
Hải Yến