Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 13:09 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Quảng Ninh tái chế sử dụng chất thải

19/04/2022

Là tỉnh công nghiệp, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, mạnh, bên cạnh những thuận lợi, Quảng Ninh cũng phát sinh nhiều nguồn phát thải, chất thải thải ra môi trường. Để hạn chế, giảm thiểu lượng chất thải thải ra môi trường, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ môi trường bằng việc thu gom, tái chế sử dụng chất thải. Điều này không những giúp bảo vệ môi trường sinh thái mà còn góp phần nâng cao giá trị tài nguyên theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đất đá thải mỏ được tái sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng.
Sở TN&MT được UBND tỉnh giao chủ trì triển khai các dự án điều tra, đánh giá các nguồn phát thải và đề xuất phương án giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải đạt mục tiêu kép về bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên phục vụ phát triển KT-XH bền vững. Hiện Sở thực hiện 3 dự án: Kiểm kê nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông, quan trắc, đánh giá hiện trạng khí thải, ô nhiễm bụi (PM10, PM2,5) và xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu khí thải, ứng phó khẩn cấp đối với các trường hợp ô nhiễm bụi để bảo vệ môi trường không khí tỉnh Quảng Ninh; điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng đất đá thải (ngành than), tro xỉ thải (ngành nhiệt điện) và một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường trong các khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp và đề xuất giải pháp tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp góp phần sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; điều tra, đánh giá khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng nước thải mỏ sau xử lý, xây dựng kế hoạch, giải pháp nâng cao chất lượng, tỷ lệ tái sử dụng nước thải mỏ.
Theo đánh giá của ngành Than, trung bình mỗi năm, khối lượng đổ thải trên các khai trường khai thác than khoảng 150 triệu m3; trữ lượng các bãi thải hiện có khoảng trên 1,3 tỷ m3 đất đá. Để giảm thiểu nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân quanh khu vực, tỉnh và ngành Than đã thống nhất tận dụng nguồn đất đá thải mỏ này phục vụ san lấp mặt bằng các dự án hạ tầng giao thông, kỹ thuật trên địa bàn.
Điển hình: Tại dự án tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, được sự đồng ý của Bộ TN&MT, chủ đầu tư đã sử dụng 0,7 triệu m3 đất đá thải mỏ của Công ty CP Than Núi Béo làm vật liệu san lấp mặt bằng, góp phần hạn chế được việc san gạt các sườn đồi lấy đất đắp, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, gây ô nhiễm môi trường.
Sản xuất VLXD không nung bằng tro, xỉ thải tại các nhà máy điện của Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền (TX Đông Triều).
Đối với tro, xỉ thải tại các nhà máy nhiệt điện, trước khối lượng khoảng 35 triệu m3 tại 8 bãi thải của 7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu sử dụng tro, xỉ thải tại các nhà máy nhiệt điện để sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện Sở Xây dựng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và ứng dụng nhiệt đới thuộc Trường Đại học Xây dựng triển khai Đề tài “Nghiên cứu sử dụng tro, xỉ thải tại Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả để sản xuất vật liệu xây dựng” và Đề tài “Nghiên cứu thiết lập mô hình quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng để ứng dụng làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Hiện 2 đề tài này đang được triển khai theo đúng tiến độ. Từ kết quả nghiên cứu có được, có thể sẽ chuyển giao mô hình quản lý và thí điểm sản xuất và tái chế cho đơn vị có chức năng, nhu cầu nhằm kiểm soát môi trường tại Quảng Ninh.
Đồng hành cùng với tỉnh, Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền (TX Đông Triều) cũng nghiên cứu thành công việc đưa tro, xỉ vào sản xuất vật liệu xây dựng không nung, đạt tiêu chuẩn QCVN 16:2014. Hiện Công ty đang sử dụng tro, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện để sản xuất trên 100 loại sản phẩm có mẫu mã khác nhau. Sản phẩm của Công ty hiện được tiêu thụ tại 63 tỉnh, thành và 14 nước trên thế giới đem lại cho Công ty doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.
Tái chế vỏ hàu thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và phân bón tại HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh (Vân Đồn).
Còn tại HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh có địa chỉ tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn), trước lượng vỏ hàu của người dân sau khi thu hoạch thải ra nhiều, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, đơn vị đã thu gom, sử dụng công nghệ tái chế thành sản phẩm bột vỏ hàu làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và phân bón cho các loại cây trồng. Theo thông tin từ HTX, trong vỏ hàu có canxi, photpho, là loại khoáng chất rất tốt cho cơ thể động vật sống, giúp tăng cường kháng thể chống chọi với các loại bệnh, tăng trưởng tốt và cho năng suất cao.
Trung bình mỗi ngày, HTX đã thu gom, xử lý trên 30 tấn vỏ hàu phế thải của người dân để tái chế thành 10 tấn bột vỏ hàu làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và phân bón. Qua đó, không chỉ góp phần xử lý lượng lớn vỏ hàu thải ra từ các cơ sở bổ hàu lấy ruột, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao giá trị kinh tế cho HTX, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Sản phẩm thức ăn chăn nuôi và phân bón được chế biến từ vỏ hàu, đóng bao bì chờ vận chuyển đi tiêu thụ. 
Ông Đặng Trung Hội, Giám đốc HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh, cho biết: Mục tiêu của đơn vị sẽ mở rộng nhà xưởng tận thu vỏ hàu, tái chế thành bột vỏ hàu có công suất lớn hơn gấp 2, 3 lần hiện tại. Tuy nhiên, địa điểm phù hợp cho mở rộng nhà xưởng chưa có. Trong khi chờ cụm công nghiệp Tràng Hương hoàn thiện, đi vào hoạt động, đơn vị sẽ tận dụng khoảng diện tích được huyện cho phép tại thôn Đồng Đá (xã Bình Dân) để mở thêm nhà xưởng, tái chế vỏ hàu.
Với việc chủ động, linh hoạt trong tái chế sử dụng các loại chất thải trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm thiểu các loại chất thải ra môi trường. Từ đó hạn chế gây ô nhiễm môi trường, phục vụ đắc lực cho tỉnh phát triển bền vững ngành du lịch, dịch vụ.
Theo Báo Quảng Ninh