Hôm qua, 04/4, Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố phần thứ ba và là phần cuối cùng của Báo cáo về biến đổi khí hậu. Về cơ bản, báo cáo tuyên bố việc đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030 là điều kiện tiên quyết để có thể đảo ngược tiến trình biến đổi khí hậu và ô nhiễm carbon toàn cầu. Báo cáo này được chuẩn bị trong vòng tám năm, bởi 268 nhà khoa học, chuyên gia đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trước đó, từ ngày 21/3 - 03/4, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã tổ chức kỳ họp trực tuyến nhằm xem xét báo cáo của Nhóm công tác III. Tại kỳ họp, các bên tham gia gồm đại diện của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã xem xét đánh giá báo cáo dài gần 300 trang của IPCC. Nội dung xem xét gồm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thu gom, xử lý các khí thải này trong không khí.
Thực tế, cuộc họp đã kết thúc muộn 48 giờ so với dự kiến cho thấy mức độ khó khăn trong các nội dung đàm phán, đặc biệt về câu chuyện tài chính. Các nhà khoa học của LHQ và đại diện của khoảng 200 quốc gia phải thảo luận kỹ càng từng từ, từng dòng chữ vì báo cáo được xem như bản tóm lược cho các nhà hoạch định chính sách về các biện pháp chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác hại của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Báo cáo tuyên bố việc đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030 là điều kiện tiên quyết để có thể đảo ngược tiến trình biến đổi khí hậu và ô nhiễm carbon toàn cầu.
Theo nội dung báo cáo, IPCC cho rằng lượng khí thải toàn cầu sẽ cần phải đạt đỉnh vào năm 2025 và sau đó giảm mạnh để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC, khẳng định tạo buổi công bố báo cáo: "Các quyết định mà chúng ta đưa ra ở thời điểm hiện tại có thể đảm bảo sự sống cho tương lai".
Báo cáo mới nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giảm mạnh mẽ việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và có liên quan đến nhiều lĩnh vực (năng lượng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp), kể cả lối sống của con người, các phương thức tiêu dùng và sản xuất, với các đường hướng, nhịp độ triển khai các biện pháp…
Nhà kinh tế học, đồng tác giả báo cáo Celine Guivarch nhấn mạnh đây là sự chuyển đổi quy mô lớn của toàn bộ các hệ thống. Điểm nhấn chính là loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nền kinh tế toàn cầu và hướng tới các nguồn năng lượng phát thải thấp hoặc không phát thải, như năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân và hydro.
Việc năng lượng tái tạo giờ đây còn rẻ hơn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch tại một số thị trường sẽ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này. Ngoài ra, IPCC cũng chỉ ra một số biện pháp giúp giảm nhu cầu dầu mỏ, khí đốt và than đá như xây dựng các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Trong báo cáo, IPCC cho biết 10% số hộ gia đình có mức thu nhập cao nhất thế giới tạo ra 36-45% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Do đó, hành động không chỉ nằm ở việc chuyển đổi quy mô lớn của các hệ thống chính, mà còn ở việc thay đổi người dân thay đổi thói quen, lối sống.
IPCC đưa ra một số khuyến nghị có thể cắt giảm giảm 40-70% lượng phát thải carbon vào năm 2050 như: giảm các chuyến bay đường dài, thúc đẩy chế độ ăn dựa trên thực vật, cắt giảm nhu cầu năng lượng, giảm tiêu thụ thịt bò...
Trước đó, phần 2 báo cáo đã miêu tả chi tiết những tác động của khí hậu trong quá khứ, dự báo những ảnh hưởng tương lai và hạn chế trong năng lực thích ứng của nhân loại. Kết luận phần này, IPCC khẳng định việc trì hoãn hành động khí hậu sẽ làm giảm nghiêm trọng cơ hội duy trì môi trường sống trong tương lai.
Các chuyên gia IPCC cũng cho rằng những cam kết của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là không đủ để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Do đó, mức mục tiêu 2 độ C có thể sẽ là một thách thức. Với những yếu tố không chắc chắn về mức độ thực hiện cam kết ở thời điểm hiện nay, IPCC dự báo nhiệt độ trái đất có thể sẽ tăng mạnh ở mức 3,2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Ai Cập. Các thông tin và giải pháp của báo cáo của IPCC là cơ sở để các nước duy trì thảo luận về hiện thực hóa mục tiêu chung về cắt giảm khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu.
Hải Yến