Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:02 GMT+7

Tin hoạt động

120 triệu USD xây nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học đầu tiên tại Đông Nam Á

11/02/2022

Với quy mô công suất 30.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư lên tới 120 triệu USD, nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT của Tập đoàn An Phát Holdings sẽ là một trong số ít các nhà sản xuất nguyên liệu xanh toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội bấm nút khởi công nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học - Ảnh: N.K.
Ngày 9-2, Tập đoàn An Phát Holdings chính thức tổ chức lễ động thổ dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.
Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT là nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh đầu tiên tại Đông Nam Á, nằm trong danh mục dự án công nghệ cao được ưu tiên đầu tư. Dự kiến hoàn thành sau 24 tháng, nhà máy sẽ đáp ứng 100% nhu cầu nguyên liệu của tập đoàn cũng như phục vụ mục tiêu xuất khẩu.
Ông Phạm Ánh Dương, chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phát Holdings, cho biết dự án sẽ tự chủ nguyên liệu, giảm giá thành để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và tiến tới thay thế cho các sản phẩm nhựa truyền thống.
"An Phát Holdings sẽ đại diện cho Việt Nam ghi tên vào bản đồ nguyên liệu xanh toàn cầu, đồng thời trở thành doanh nghiệp tiên phong thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam", ông Dương khẳng định.
Theo ông Dương, với dự án này, An Phát Holdings sẽ khép kín hệ sinh thái tuần hoàn xanh từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công nguyên liệu và sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn, đồng thời chính thức tham gia vào mạng lưới nguyên liệu xanh thế giới. Giá thành sản phẩm xanh sẽ giảm 20-30% khi nhà máy PBAT đi vào hoạt động.
Ông Lê Anh Quân, phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cho rằng thu hút các dự án đầu tư có vai trò quan trọng với thành phố khi đây là dự án sản xuất nhựa, cao su tổng hợp dạng nguyên sinh đòi hỏi công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Sản lượng 30.000 tấn PBAT một năm sẽ giúp giảm 33.000 tấn khí CO2 mỗi năm, tương đương khả năng hấp thụ 165.000ha rừng. Việc này góp phần giúp Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết tại COP 26.
"Đây là dự án phù hợp với mục tiêu phát triển trụ cột công nghệ cao của Hải Phòng trong năm 2022" - ông Quân nói và đề nghị nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục hành chính… để khởi công dự án trong quý 1-2022. Theo đó, Hải Phòng cam kết sẽ hỗ trợ nhà đầu tư trong thi công, thực hiện dự án hiệu quả. 
Năm 2022, Hải Phòng cơ cấu lại nền kinh tế theo 3 trụ cột: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển logistics, du lịch và thương mại.
Theo: Báo Tuổi trẻ