Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:18 GMT+7

Sản xuất bền vững

Vinaseed chọn lối đi khác biệt để phát triển bền vững

20/01/2022

Vinaseed là doanh nghiệp khoa học kỹ thuật, chuyên cung cấp các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm chính của Vinaseed là giống cây trồng, chủ yếu là cây lương thực và rau, trái cây và hoa. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phát triển mô hình nhà vườn ứng dụng công nghệ cao để sản xuất trái cây xuất khẩu. 
Khoa học, tri thức là cốt lõi
Ở thời điểm hiện tại, Vinaseed có thể tự hào là cánh chim đầu đàn trong việc cung ứng các sản phẩm giống cây lương thực (lúa, ngô) chất lượng cao cho người nông dân Việt, bao gồm cả giống bản địa và giống lai. Thương hiệu tự hào cung cấp trung bình trên 80.000 tấn hạt giống/năm cho thị trường, tương đương gần 20% thị phần cả nước. Trong số đó, 80% cơ cấu sản phẩm hạt giống có bản quyền, giúp người nông dân nâng cao hiệu quả trồng trọt, góp phần ổn định ngành nông nghiệp trong nước. 
Thành quả này có được không phải một sớm một chiều. Xuất phát điểm là một đơn vị quy mô vốn nhỏ, cơ sở vật chất, trình độ công nghệ lạc hậu, sản phẩm chủ yếu là một số giống lúa phổ thông, không có bản quyền. Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết tâm thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với thị trường, đồng thời xác định khoa học, tri thức là cốt lõi để phát triển bền vững. 
Với chiến lược mới, năm 2003, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Giống cây trồng Trung ương (nay là Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam) có vốn điều lệ ban đầu 13,5 tỷ đồng với 8 đơn vị thành viên. Ba năm sau Công ty chính thức niêm yết trên sàn HoSE (Sàn Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh). Đây là những nước cờ rất táo bạo. Đồng thời chứng minh năng lực và cơ hội phát triển mà ban lãnh đạo Vinaseed đã đặt niềm tin. 
Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản Vinaseed có công suất chế biến hạt giống đạt trên 50.000 tấn giống/năm, chế biến đóng gói gạo tự động trên 100.000 tấn/năm.
Theo bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed, trong bối cảnh ngành lương thực đang thực hiện công cuộc tái cấu trúc, doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc cung cấp ổn định cho người nông dân những hạt giống có chất lượng đảm bảo và ổn định. Để làm được việc này, Vinaseed đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu. Mục tiêu là tìm ra các hạt giống có khả năng giải quyết những vấn đề của biến đổi khí hậu như suy giảm diện tích, tăng hạn mặn...
Hiện tại, doanh nghiệp tự hào đã có bản quyền 100% giống lúa. Trong đó có nhiều giống được tuyển chọn, lai tạo để phù hợp với những vùng canh tác đặc thù bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Các dòng gạo cao cấp như ST, Thơm RVT trồng tại các vùng lúa tôm ven biển này là gạo chất lượng cao có giá trên 1.000 USD, chịu được chênh lệch nhiệt độ lớn, nên còn thích hợp trồng ở khu vực Tây Nguyên. Gạo cho năng suất cao, lên đến 8 tấn/ha. Những dòng sản phẩm gạo giá trị cao này đã được xuất khẩu đi nhiều nơi như EU, Nhật Bản, Trung Quốc... 
Để dấn thêm một bước trong việc khẳng định vị thế dẫn đầu về cung ứng giống cây lương thực cho ngành nông nghiệp, năm 2019, Vinaseed đã đầu tư hơn 350 tỷ đồng (giai đoạn I) xây dựng Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản. Trung tâm có diện tích 5ha, sử dụng dây chuyền chế biến hiện đại của Nhật Bản. Công suất chế biến hạt giống đạt trên 50.000 tấn giống/năm, chế biến đóng gói gạo tự động trên 100.000 tấn/năm. Dự án được đánh giá góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo ứng dụng công nghệ 4.0 từ giống đến tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; làm cơ sở hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất chuyên canh quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị có thương hiệu, góp phần thực hiện Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long. 
Muốn đi xa phải đi cùng nhau
Nông dân Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức chưa từng có bởi những tác động của biến đổi khí hậu. Nhận thức rõ ràng về vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học kỹ thuật, Vinaseed đã luôn nỗ lực trong việc giữ gìn và phát triển những giống cây lương thực quý, có khả năng thích ứng tốt với biến động thời tiết. 
Trong nghiên cứu phát triển, Vinaseed hướng đến các dòng sản phẩm xanh, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển được cả ở những vùng có điều kiện canh tác và khí hậu khắc nghiệt, năng suất tốt. Các giống lúa tiêu biểu của Vinaseed, như ST, RVT, vì thế được đông đảo người nông dân đón nhận.
Trong canh tác, Vinaseed chọn hướng đi song hành cùng người nông dân. Thay vì chỉ cung cấp giống, doanh nghiệp giúp bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, tổ chức và quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn, đến bao tiêu sản phẩm. Và cuối cùng là xây dựng thương hiệu. 
Hàng năm, Vinaseed tổ chức triển khai gần 30.000 ha sản xuất giống trên khắp cả nước thông qua hình thức liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm. Các nông hộ tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp sẽ được đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ miễn phí. Theo Chủ tịch HĐQT Vinaseed, chuỗi giá trị của doanh nghiệp với sự tham gia của nhiều nhà cung ứng uy tín như Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Ryan, Công ty khử trùng Việt Nam VFG, các hợp tác xã lớn và ngân hàng... sẽ giúp người nông dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận một hệ sinh thái hoàn thiện, từ các yếu tố đầu vào, dịch vụ nông nghiệp, đến vay vốn. Như vậy đảm bảo các yếu tố cản trở việc sản xuất liên tục và hiệu quả sẽ được loại bỏ, người nông dân chỉ cần tập trung vào sản xuất, ổn định thu nhập. 
Vinaseed chọn hướng đi song hành cùng người nông dân thông qua các hình thức liên kết sản xuất, đào tạo ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức và quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn. 
Bền vững là động lực
Theo người đứng đầu Vinaseed thì nhận thức và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng, không chỉ ở quốc tế mà cả trong nước. Do đó, việc doanh nghiệp nông nghiệp thay đổi phương thức sản xuất theo hướng xanh hơn, an toàn hơn và nâng cao giá trị sản phẩm là xu hướng tất yếu. Chẳng hạn, từ khi bắt đầu xây dựng thương hiệu gạo "Tươi sạch Vinaseed", doanh nghiệp đã không sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng có nhiều nguy cơ tới môi trường và sức khỏe con người, mặc dù thời điểm đó chưa chính thức bị cấm. Ngoài ra, các vùng canh tác ứng dụng đồng bộ giải pháp bền vững, từ giống tốt, kết hợp canh tác bền vững (cơ giới hóa, 3 giảm: giảm giống gieo sạ - giảm thuốc trừ sâu - giảm phân đạm), áp dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp)… 
Nhờ vậy mà gạo mang thương hiệu Vinaseed luôn được đánh giá cao về hương vị, giá trị dinh dưỡng, đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP và bán được giá. Tính trung bình, mỗi tấn gạo thương hiệu Vinaseed bán với giá 700 - 1.000 USD, cao hơn từ 40 - 60% so với các thương hiệu khác. 
Bên cạnh đó, trong cả quá trình sản xuất doanh nghiệp cũng áp dụng giải pháp đồng bộ để đảm bảo tính bền vững như dùng phân bón chậm để hạn chế hiệu ứng nhà kính, hạn chế tồn dư nitrat trong sản phẩm. Quá trình sản xuất được nghiên cứu nhằm tưới tiêu kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, giảm tối đa rác thải ra môi trường. Các yếu tố này được đảm bảo thông qua việc tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên tại khu vực sản xuất; thay đổi về bao bì, tăng cường tái sử dụng bao bì; các quá trình chế biến, sấy... tăng cường sử dụng năng lượng sạch và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng quán triệt tinh thần của Tập đoàn, chỉ đầu tư mới những công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên - nhiên liệu, ít phát thải và dần chuyển đổi cơ cấu công nghệ theo hướng bền vững cho môi trường sinh thái. 
Với nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững, Vinaseed đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020. Ảnh: Vinaseed.
Cho đến thời điểm này Vinaseed đã khẳng định được thành công bằng cách chọn lối đi khác biệt. Doanh nghiệp duy trì tốc độ trăng trưởng ổn định  bình quân 20% (tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế). Riêng doanh thu từ gạo trong năm 2020 vào khoảng 400 tỷ. Thương hiệu Gạo Vinaseed gắn liền với tiêu chí gạo tươi, sạch, hương vị trọn vẹn tự nhiên.
Chiến lược đến năm 2025 của Vinaseed là trở thành nhà cung cấp giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững hàng đầu Việt Nam, chiếm ít nhất 50% thị phần giống cây trồng cả nước. Hiện tại, doanh nghiệp đang tập trung các hoạt động nhằm nâng tỷ trọng sản phẩm bản quyền, dịch chuyển cơ cấu sản phẩm giá trị kinh tế cao; tập trung phát triển các dòng sản phẩm năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu như chịu hạn, chịu úng, chịu mặn... Đồng thời, mở rộng ngành hàng theo chuỗi giá trị nông sản, tập trung phát triển các dòng sản phẩm thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm hữu cơ.
Có thể nói đây là những bước đi thức thời trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rõ rệt tới mọi thành phần kinh tế và ở mọi vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam. Nhìn từ khía cạnh khác, sự biến đổi nhanh chóng của môi trường sinh thái và cả môi trường kinh doanh là thử thách, nhưng cũng là dịp để những doanh nghiệp biết xác định hướng đi đúng đắn, tận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có sự chuẩn bị bài bản chớp lấy thời cơ để sẵn sàng bứt phá. Như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đang ở vai trò Thủ tướng Chính phủ, đã khẳng định tại Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu rằng "trong nguy có cơ", chủ động thích ứng mới là con đường phát triển bền vững. 
Giang Nguyễn