Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:38 GMT+7

Sản xuất bền vững

PAN GROUP - Thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm bền vững

25/01/2022

PAN Group là tập đoàn nông nghiệp Việt Nam tiên phong trong việc cung cấp những sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, với những giải pháp sáng tạo, tuần hoàn thông qua chuỗi giá trị hoàn chỉnh. 
Chủ động về giống
Các giải pháp của PAN được thực hiện qua mô hình chuỗi giá trị từ nông trại tới gia đình (Farm - Food - Family). Để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm một cách đáng tin cậy nhất, PAN đã chủ động cả khâu giống cây trồng. Đây có thể nói là điều ít doanh nghiệp nội địa làm được cho tới thời điểm này. 
Hiện tại, Tập đoàn sở hữu Vinaseed, doanh nghiệp khoa học công nghệ chuyên nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng số một Việt Nam. Vinaseed hiện có quy mô và thị phần lớn nhất ngành giống cây trồng, với sản lượng tiêu thụ năm 2018 trên 70.000 tấn hạt giống. Trong đó 80% sản phẩm có bản quyền, chi phối 20% thị phần, tương đương với gần 20 triệu ha gieo trồng cả nước. 
Mỗi năm Vinaseed sản xuất kinh doanh 8 vạn tấn hạt giống với 80% sản phẩm bản quyền, tương đương gần 2 triệu ha gieo trồng, chiếm 20% thị phần cả nước. Ảnh: Trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản Vinaseed tại Đồng Tháp.
Các sản phẩm chủ đạo trong lĩnh vực giống cây trồng của doanh nghiệp bao gồm cả cây lương thực như lúa, ngô tới các loại rau quả, trái cây và cả hoa. Một số giống lúa thuần và giá trị cao của doanh nghiệp được thị trường ưa chuộng có thể kể đến Thiên Ưu 8, RVT, Đài thơm 8, VS1, Dự Hương, Trân Trâu Hương... Về giống ngô, doanh nghiệp tự hào các sản phẩm giống ngô mình sở hữu là lựa chọn hàng đầu của thị trường với độ dẻo, ngọt, đều hạt, năng suất cao, thích nghi rộng với nhiều vùng sinh thái. Các giống ngô tiêu biểu gồm ngô nếp tím dẻo HN66, ngô nếp lai HN88, HN68, ngô nếp lai đơn MX10, MX6...  
Các sản phẩm giống rau quả và hoa quả là những dòng sản phẩm mới phát triển của Tập đoàn nhưng cũng được đón nhận tích cực. Bên cạnh đó, PAN cũng sở hữu nhiều bộ giống hoa giá trị cao, chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu. Các yếu tố này giúp PAN nổi lên không chỉ như một nhà sản xuất đơn thuần, mà còn là đơn vị cung cấp chiến lược cho chuỗi cung ứng trong nước, góp phần gìn giữ những tinh hoa hạt giống Việt Nam.
Đảm bảo vùng nguyên liệu bền vững
Trong nhóm sản phẩm nông nghiệp không thể không kể đến nhóm sản phẩm thuỷ sản đông lạnh. Các sản phẩm thuỷ sản của PAN, như cá tra, nghêu, tôm... đều  được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ, Canada, Hàn Quốc. Các mặt hàng thuỷ sản thương hiệu Việt xuất hiện nhiều trong chuỗi siêu thị, nhà hàng quốc tế, chứng tỏ sự tin tưởng của khách hàng. 
Khu nuôi tôm công nghệ cao của Sao Ta (PAN Group) tại Sóc Trăng là khu nuôi chuẩn ASC lớn nhất cả nước. 
Để có được điều này, các vùng sản xuất lớn của PAN đều áp dụng các tiêu chuẩn môi trường xã hội quốc tế, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu tới các thị trường lớn. Chẳng hạn, với con cá tra, vùng nuôi được đảm bảo theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và ASC. Với nghêu, nguyên liệu được tuyển lựa từ những vùng nguyên liệu sạch, quản lý theo chứng chỉ bền vững MSC... Tất cả các yếu tố về lượng nước sạch, chất thải, nước thải, tác động sinh học, cộng đồng đều được xem xét đánh giá nhằm đem tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế vùng và lợi ích đem lại cho cư dân địa phương.
Ngoài ra, PAN cũng phối hợp với các đối tác trong chuỗi cung ứng để thực hiện các biện phá canh tác tiên tiến trong trồng trọt như SRI giảm sử dụng phân bón và thuốc BVTV, tăng năng suất và khai thác hiệu quả và bền vững tại nguyên đất. 
Sự kỹ càng trong khâu chọn, quản lý vùng cung ứng vừa giúp kiểm soát đầu vào dễ dàng, vừa là lợi thế cạnh tranh giúp doanh nghiệp vượt lên so với những đối thủ khác. Điều này đặc biệt có lợi trong bối cảnh khách hàng quốc tế đòi hỏi ngày càng cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm và các yếu tố bền vững trong chuỗi cung ứng. 
Bền vững trong sản xuất chế biến
Trong sản xuất chế biến, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo năng suất, chất lượng cũng như các yếu tố bền vững khác. Ý thức rất rõ về điều này, Tập đoàn đã và đang dịch chuyển hầu hết các công nghệ sản xuất chủ chốt theo hướng an toàn, thân thiện môi trường và giảm phát thải. 
Trong những năm qua, PAN đầu tư cho 5 nhà máy mới hoạt động, trong đó có nhà máy chế biến điều không xả thải môi trường, sử dụng nhiên liệu sạch. Đồng thời, cải tiến các công nghệ chế biến, kỹ thuật sản xuất thực phẩm giảm rác thải, phát thải như áp dụng MFCA (giảm tổn thất nguyên liệu) cho sản xuất bánh kẹo; áp dụng BSCI, SEDEX (các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong sản xuất phổ biến).
Nhằm đảo bảo tính bền vững xuyên suốt trong hoạt động của các đơn vị thành viên, PAN đã ban hành Bộ nguyên tắc hành động cấp Tập đoàn. Bên cạnh đó thực hiện chương trình giám sát, báo cáo thường niên để cập nhật tình hình, thúc đẩy sự tuân thủ tại tất cả các nhà máy, cơ sở. Theo đại diện PAN, việc này nhằm truyền cảm hứng để các lãnh đạo, nhân viên công ty toàn Tập đoàn có cùng tầm nhìn, quan điểm dài hạn trong đó phát triển bền vững và trách nhiệm cộng đồng là những yếu tố không tách rời. 
Ở khía cạnh hội nhập, đảm bảo những yếu tố môi trường - xã hội bền vững là một lợi thế cạnh tranh khi tiến ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những giá trị về mặt cộng đồng, quan hệ với nhân viên - đối tác đem lại cũng quan trọng không kém. Khi doanh nghiệp đã đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, thu mua ổn định đầu ra cho người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và thị trường biến động, đã tạo được điểm tựa cho các đối tác tham gia vào chuỗi cung ứng yên tâm sản xuất. Đây là yếu tố quan trọng chứng minh tính bền vững của một hệ thống sản xuất. 
Thành quả và chiến lược
Nhà trồng dưa lưới công nghệ cao của Vinaseed tại Hà Nam.
Từ những nỗ lực đó, PAN đã gặt hái những tăng trưởng phù hợp trong những năm qua. Theo đó, doanh thu năm 2020 đạt 8.329 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2019. Doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhật hơn 6.402 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai lĩnh vực kinh doanh chính là nông nghiệp và thực phẩm đều ghi nhận tăng lần lượt 7,6% và 6,3% (năm 2020). Con số này chưa cao nhưng là mức đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tác động tiêu cực tới cả nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn cũng chịu nhiều ảnh hưởng. 
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường đầu năm 2022 của Tập đoàn đã thông qua kế hoạch phát hành thêm 235,8 triệu cổ phiếu, tăng vốn từ 2.164 tỷ đồng lên 4.522 tỷ đồng. Hoạt động này nằm trong chiến lược thu hút thêm vốn đầu tư cho các dự án sắp tới của PAN, đồng thời củng cố vị thế tại các doanh nghiệp thành viên. 
Cụ thể, trong lĩnh vực thuỷ sản, PAN đã bắt tay với C.P Việt Nam (thuộc Tập đoàn C.P Thái Lan) nhằm tận dụng lợi thế của hai bên để mở rộng chuỗi giá trị. Trong lĩnh vực giống cây trồng, mục tiêu là giữ vững vị thế của Vinaseed trong mảng giống cây lương thực, đẩy mạnh giá trị gia tăng của các giống rau và hoa. Với ngành hạt, PAN đặt mục tiêu tăng trưởng 30-50%. Lĩnh vực bảo vệ thực vật, với thương vụ hợp tác chiến lược cùng Syngenta, tập đoàn hàng đầu thế giới về các sản phẩm thuốc bảo vệ thực phẩm và giống cây trồng, được kỳ vọng tăng trưởng doanh thu 150-200%. Riêng lĩnh vực bánh kẹo, với kết quả kinh doanh khả quan của Bibica trong thời gian vừa qua, PAN tin tưởng sớm tìm được đối tác phù hợp để thúc đẩy phát triển nhanh trong thời gian tới. 
Giang Nguyễn
PAN Group - Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN, là doanh nghiệp hoạt động với hình thức công ty mẹ - con, chuyên sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm và cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Hệ sinh thái của PAN tập hợp những cái tên hùng mạnh gồm: Vinaseed, Lafooco, Bibica, Aquatex Bentre, Sao Ta, 584 Nha Trang, VFC...
Theo BCTC gần nhất, lỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất đạt  6.401,8 tỷ, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 231,8 tỷ, tăng 30% và phần thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 121,4 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ 2020. Các mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận công ty mẹ là thủy sản xuất khẩu, giống cây trồng và nông dược, khử trùng.