Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:26 GMT+7

Tin hoạt động

Việt Nam đem gì đến COP26?

01/11/2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dần đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến tham dự Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). 

Việc đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ tham dự Hội nghị đã thể hiện sự cam kết cao của Việt Nam trong vấn đề chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước đó, Thủ tướng đã có nhiều phiên làm việc với nguyên thủ các nước về những vấn đề liên quan. 

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đứng đầu hai quốc gia đã cùng khẳng định sẽ tiếp tục các nỗ lực để giải quyết những vấn đề như: giải quyết đại dịch, tăng cường thương mại và đầu tư. Thủ tướng Anh bày tỏ sẵn sàng là đối tác tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế ít phát thải, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.  

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự COP 26. Hội nghĩ sẽ diễn ra từ 31/10 - 12/11 tại Glasgow, Scotland. Ảnh: VGP.

Kể từ khi tham gia Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chứng minh là quốc gia có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các cam kết chung. Cụ thể, năm 2014 lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã giảm khoảng 1,46 triệu tấn CO2td so với năm 2010. Trong giai đoạn 2015 - 2019, phát thải của Việt Nam giảm khoảng 17 lần so với giai đoạn trước 2014. 

Theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), chúng ta cam kết tới năm 2030, bằng nguồn lực trong nước sẽ giảm thêm 40 lần nữa, tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ. Nếu có sự hỗ trợ của nước ngoài, con số giảm phát thải có thể là 250,8 triệu tấn CO2tđ. 

Trong chuyến công tác này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại COP26; tiếp xúc song phương với Lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, quỹ quốc tế; tham dự sự kiện công bố sáng kiến của một số đối tác quan trọng bên lề COP26. 

Không gian diễn ra Hội nghị. Ảnh: BBC.

COP26 diễn ra tại Glasgow (Scotland) có sự tham gia của hơn 200 quốc gia. Trong đó có sự góp mặt trực tiếp của hơn 120 nhà lãnh đạo cao nhất của các nền kinh tế lớn và các nền kinh tế mới nổi. Đây là sự kiện được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường. 

Trong vòng hai tuần, từ 31/10-12/11, các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ thảo luận về các vấn đề quan trọng liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đồng thời tìm kiếm một lộ trình phù hợp cho mục tiêu chung nhằm kìm hãm sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp. Giới quan sát nhận định COP26 là cơ hội “cuối cùng và tốt nhất” để đạt được mục tiêu trên. 

Để có thể hiện thực hóa được tầm nhìn chung, các nhà lãnh đạo toàn cầu đặt mục tiêu huy động tài trợ khoảng 100 tỷ USD/năm cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và sự nhất trí về cách thức xác định trước năm 2025 cho mục tiêu tài chính mới giai đoạn sau 2025. Đồng thời, một lộ trình chung về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như là xây dựng các hướng dẫn cần thiết cho một số điều khoản quan trọng còn lại của Thỏa thuận Paris. 

Các nội dung thảo luận chính bao gồm: các nguồn lực; công cụ và cơ chế minh bạch trong thực hiện lộ trình; thúc đẩy các hành động khí hậu công bằng và bao trùm; mục tiêu thúc đẩy ứng phó toàn cầu và phương thức xác nhận nỗ lực thích ứng; khung thời gian và các mẫu báo cáo chung; khuôn khổ thực hiện giảm rủi ro để giúp các quốc gia xây dựng chiến lược; cơ chế trị trường và phi thị trường; và đánh giá mức độ thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn trước. 

Thanh Thanh t/h