Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:56 GMT+7

Tin hoạt động

Ứng dụng công nghệ enzyme sản xuất thức ăn cá rô phi từ nguồn phụ phẩm

07/10/2021

Viện Nghiên cứu Hải sản đã bắt tay với Tập đoàn Sao Mai ứng dụng thành công công nghệ enzyme để biến phụ phẩm cá tra thành nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Mới đây, Viện nghiên cứu Hải sản đã bắt tay với Tập đoàn Sao mai nhằm ứng dụng công nghệ enzyme để chế biến phụ phẩm cá tra thành nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên quy mô công nghiệp. Dự án đã góp phần tạo sản phẩm giá trị cao từ nguồn phụ phẩm chăn nuôi, đồng thời giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán về môi trường.
Chìa khóa là công nghệ sinh học
Trong chăn nuôi thủy sản, chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất nói chung. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi lại đang phụ thuộc chủ yếu vào nước ngoài, khiến giá thành cao và thiếu tính bền vững.
Mặt khác, lượng phế phụ thẩm thải ra môi trường của ngành lại tương đối lớn, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế do tốn nhiều chi phí để xử lý môi trường. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng phế phụ phẩm ngành thủy sản thải ra hàng năm vào khoảng gần 1 triệu tấn, tương đương gần 10% tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước và nhập khẩu là 9,5 triệu tấn.
Nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp nước ngoài.
Từ thực tế đó, nhiều năm nay các nhà khoa học trong nước đã liên tục tìm kiếm các giải pháp để tăng tính bền vững của ngành chăn nuôi. TS. Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải Sản cho biết công nghệ sinh học đã chứng minh được nhiều ưu điểm trong việc xử lý các vấn đề môi trường, gia tăng hiệu quả sản xuất của ngành. Đặc biệt phù hợp với các mô hình sản xuất vừa và nhỏ, nơi tập trung khoảng 90% doanh nghiệp. Lý do là phương pháp này không đòi hỏi sự huy động cao về vốn và dễ ứng dụng.
Thời gian qua, Viện đã phối hợp với nhiều đơn vị sản xuất, nhằm triển khai các kết quả nghiên cứu ra quy mô công nghiệp. “Các nghiên cứu khi được ứng dụng sản xuất quy mô lớn đã góp phần giải quyết bài toán kinh tế cho doanh nghiệp, đồng thời tăng tính bền vững của ngành”, TS. Nguyễn Viết Nghĩa cho biết.
Mới đây, các nhà khoa học của Viện kết hợp với Công ty TNHH thức ăn Supper Fish (Tập đoàn Sao Mai) ứng dụng thành công công nghệ enzyme tạo chế phẩm giàu lysine quy mô thương mại. Dự án đã giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán ổn định nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, từ đó hạ giá thành sản xuất và tăng tính cạnh tranh.
Doanh nghiệp hiện thực hóa các nghiên cứu khoa học 
TS. Nguyễn Hữu Hoàng (Viện Nghiên cứu Hải sản), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết các rô phi là loài thủy sản nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng các cơ sở chăn nuôi đang phải phụ thuộc hoàn toàn nguyên liệu thức ăn bởi các nhà cung cấp bên ngoài với chi phí cao và thiếu tính ổn định. Do đó, Viện Nghiên cứu Hải sản đã bắt tay với doanh nghiệp để chủ động sản xuất nguồn thức ăn giàu lysine cho loài cá này.
Theo TS. Hoàng, ý tưởng tận dụng nguồn phụ phẩm chế biến thủy hải sản làm thức ăn chăn nuôi không quá mới. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây mới chỉ tạo ra chế phẩm lysine với hàm lượng thấp, khoảng dưới 30gr/l và ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp còn rất hạn chế. Vì vậy có thể nói đề tài đã tạo được bước tiến dài trong việc thúc đẩy nghiên cứu từ mô hình phòng thí nghiệm ra tới khâu thương mại hóa.
Chế phẩm lysine hàm lượng trên 40% của nghiên cứu. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.
Được biết, lysine là axit amin thiết yếu nhưng không thể tự tổng hợp trong cơ thể động vật. Lysine hiện chủ yếu được sản xuất trên quy mô công nghiệp bởi chủng vi sinh vật Corynebaterium glutamicum.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng enzyme protease SEB-neutral PL và tiến hành thực hiện thuỷ phân. Nguyên liệu sử dụng là phụ phẩm từ chế biến cá tra gồm đầu, xương, vây. Qua xử lý nguồn phụ phẩm này được chuyển thành dịch đạm thuỷ phân có hàm lượng lysine cao, trên 40%, và là hỗn hợp axit amin hoàn hảo. Đây là nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn thủy sản giàu dinh dưỡng, dẫn dụ tốt, dễ hấp thụ.
“Dịch đạm thủy phân phụ phẩm cá tra cô đặc còn được sử dụng thay thế nguồn nitơ hữu cơ trong môi trường lên men sản xuất chế phẩm lysine, từ đó giảm được đáng kể giá thành sản xuất”, TS. Hoàn cho biết thêm.
Từ kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp đã ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.
Từ chế phẩm giàu lysine chiết xuất từ phụ phẩm cá tra, các nhà khoa học tiến hành xây dựng công thức sản xuất thức ăn cho cá rô phi với quy mô 500kg nguyên liệu/mẻ. Sản phẩm được tiến hành thử nghiệm trên mô hình nuôi quy mô 1ha. Kết quả cho thấy cá tăng trưởng tốt, hệ số thức ăn đạt từ 1,15-1,29%, lợi nhuận ước tính đạt 18%.
Từ kết quả thử nghiệm này, Công ty đã đưa vào ứng dụng sản xuất với quy mô 2000kg nguyên liệu/mẻ. Bước đầu dây chuyền sản xuất thử nghiệm hơn 27 tấn sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Theo chia sẻ từ TS. Nguyễn Hữu Hoàng, sản phẩm có tỷ lệ lysine cao, dễ hấp thụ, chất lượng tốt nhưng giá thành thấp hơn khoảng 10-15% so với thức ăn cá rô phi trên thị trường. “Nếu dây chuyền sản xuất chạy 100% công suất thiết kế thì thời gian thu hồi vốn chỉ khoảng hơn 2 năm, tỷ lệ lãi ròng đạt 32,75%”, TS. Hoàng cho biết.
Qua đây có thể thấy, bằng ứng dụng công nghệ enzyme, dự án đã thành công trong việc sản xuất thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng từ nguồn phụ phẩm chế biến thủy sản, giúp doanh nghiệp giảm chi phí chăn nuôi và hạn chế ô nhiễm môi trường. Dự án chứng minh được tính hiệu quả, bền vững trong việc kết hợp nguồn lực của các viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Giang Nguyễn