Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 16/11/2024 | 20:23 GMT+7

Tin hoạt động

Giải pháp nâng chất cho hoạt động khuyến công

27/11/2014

 

Còn nhiều trở ngại


Những năm qua Hà Giang luôn nỗ lực dành nhiều nguồn lực cho công tác khuyến công. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2013-2014) Hà Giang đã dành trên 4,754 tỷ đồng cho công tác khuyến công, nhiều đề án đã được triển khai có hiệu quả. Cụ thể, năm 2014, Hà Giang triển khai 16 đề án với số kinh phí hỗ trợ 1,24 tỷ đồng. Năm 2013, tỉnh cũng thực hiện 18 đề án, kinh phí thực hiện là 3,514 tỷ đồng.


Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Giang, sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn khuyến công đã giúp không ít cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất và cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều lao động nông thôn theo đó cũng có việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.


Tuy nhiên, cũng theo Sở Công Thương, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai, hoạt động khuyến công của tỉnh còn gặp không ít trở ngại. Đầu tiên là về chính sách, do Quy chế quản lý và sử dụng quỹ khuyến công địa phương của Hà Giang chưa được ban hành nên chưa thống nhất được mức hỗ trợ cụ thể cho từng nội dung đề án. Do đó, nguồn kinh phí hỗ trợ chưa mang tính chất ổn định.


Hơn nữa, có rất nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các cơ sở công nghiệp nông thôn từ các nguồn kinh phí khác nhau, tạo ra sự trùng lặp và nhiều bất cập. Tương tự, đối với đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật nhằm phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, theo quy định tại Thông tư số 46/2012/TT-BCT chỉ hỗ trợ trên địa bàn cấp huyện khi chưa có cơ sở nào áp dụng hoặc sản xuất. Quy định này thu hẹp phạm vi hỗ trợ và không phù hợp với tỉnh có ngành công nghiệp nông thôn khó khăn như Hà Giang.

Ngoài ra, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc của tỉnh còn nhiều hạn chế, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa đã ảnh hướng tới tiến độ triển khai của đề án. Các đề án đăng ký tham gia vẫn chủ yếu thuộc các lĩnh vực bề nổi chưa thực sự đi vào khai thác chiều sâu, chưa tận dụng hết tiềm năng về nông lâm sản, vật liệu xây dựng, gia công cơ khí...của tỉnh.


Nhiều giải pháp


Trước nhiều trở ngại ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động khuyến công, Sở Công Thương Hà Giang đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khuyến công của tỉnh. Theo đó, Sở Công Thương đang nỗ lực để sớm ban hành Quy chế quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công địa phương của tỉnh nhằm ổn định nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đề án. Đây sẽ là cơ sở áp dụng xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công 2015 và những năm tiếp theo. Đồng thời điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương cho các đề án nhằm động viên khuyến khích các cơ sở sản xuất tham gia chương trình khuyến công.

Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ các nội dung: xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng thiết bị vào sản xuất; nâng cao tay nghề cho người lao động; xây dựng thương hiệu, tư vấn thiết kế bao bì sản phẩm; hỗ trợ tham gia hội trợ triển lãm. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ đối với ngành sản xuất, chế biến sản phẩm có thế mạnh tại địa phương, những sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới và ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu tại chỗ và sử dụng nhiều lao động. Lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác với chương trình khuyến công để nâng cao tính hiệu quả trong quá trình thực hiện đề án mang lại những lợi ích đáng kể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.


Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh sẽ thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa khuyến công, thương mại với khuyến nông và sản xuất nhằm từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp, nông nghiệp phát triển trong mối quan hệ gắn bó đồng bộ với nhau./.

Hải Linh