Mặc dù là nước đứng thứ năm về xuất khẩu cao su nguyên liệu, nhưng ngành cao su đang phải đối mặt với những vấn đề về sản phẩm bền vững và hợp pháp.
Gỗ cao su là một trong những nguồn cung nguyên liệu quan trọng đối với ngành chế biến gỗ Việt Nam. Hiện chúng ta đứng thứ năm trong số các nước dẫn đầu về xuất khẩu cao su thiên nhiên. Xuất khẩu cao su trong 7 tháng đầu năm thu về 1,54 tỷ USD, tăng 74,5% về kim ngạch.
Quản lý rừng bền vững và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm là khái niệm mới đối với ngành sản xuất và chế biến cao su. Nhưng đây là những điều kiện quan trọng để đảm bảo cao su nguyên liệu của chúng ta được chấp nhận rộng rãi hơn trên thị trường quốc tế. Đồng thời khai thác và quản lý nguyên liệu rừng bền vững cũng là một trong những hoạt động quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs do Liên hợp quốc đề ra trước năm 2030.
Dự kiến đến cuối năm 2021 có trên 268.000 ha cao su tại Việt Nam hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững.
Từ năm 2015, Tổng cục Lâm Nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận và hợp tác hướng tới hệ thống PEFC từ 2015 và chính thức trở thành thành viên của PEFC vào năm 2019. Theo Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp sự công nhận của PEFC đã chứng chứng tỏ những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo một hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia có tính thực tế và ứng dụng cao. "Đồng thời sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm đạt chứng nhận của Việt Nam, và cung cấp nền tảng khuyến khích sự tham gia các bên liên quan trong quản lý rừng bền vững trên cả nước", ông Trị nhấn mạnh.
Mới đây nhất, thông qua sự hợp tác giữa Văn phòng chứng nhận hệ thống rừng quốc gia Việt Nam (VFCO) và PEFC, các doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã được hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đăng ký thực hiện chứng chỉ rừng. Đến tháng 8/2021, đã có trên 54.500 ha cao su của 12 công ty thành viên VRG được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM và 22 nhà máy chế biến mủ cao su đang trong quá trình đánh giá để được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC.
Ông Nguyễn Quốc Trị cho biết thông qua các dự án thí điểm mà PEFC (hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững) và các thành viên quốc gia đã thực hiện với các tổ chức, doanh nghiệp, nhóm hộ tiểu điền trong khu vực Đông Nam Á, đã chứng minh rằng việc thực hiện chứng chỉ này là hoàn toàn khả thi và cần thiết đối với ngành cao su.
Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc tế PEFC, đã thí điểm chứng nhận sản phẩm cao su thiên nhiên và gỗ cao su trên khắp Đông Nam Á. Bên cạnh loại hình chứng nhận đơn cho các chủ rừng là các công ty, nhờ hợp tác với những cao su tiểu điền ở tất cả các quy mô, PEFC đã áp dụng thành công loại hình chứng nhận theo nhóm, cho phép các tiểu điền phối hợp và triển khai các biện pháp quản lý bền vững cùng nhau. Kinh nghiệm từ những người tham gia các dự án thí điểm đã mang lại giá trị quý báu cho ngành cao su trong việc thực hiện chứng nhận PEFC.
Theo VRG dự kiến đến cuối năm 2021 có trên 268.000 ha cao su tại Việt Nam hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững, trong đó, khoảng 100.000 ha có chứng chỉ VFCS/PEFC-FM và khoảng 38 nhà máy chế biến có chứng chỉ PEFC-CoC.
The Programme for the Endorsement of Forest Certification (PEFC) là hệ thống chứng chỉ rừng lớn nhất thế giới, chứng nhận 320 triệu ha rừng, chiếm 75% tổng diện tích rừng có chứng chỉ trên toàn cầu. Hiện tại PEFC có 55 quốc gia thành viên. Hơn 20.000 công ty tại 83 quốc gia đã tin tưởng lựa chọn PEFC để chứng minh nguồn gỗ và các sản phẩm từ gỗ tới từ các khu rừng được quản lý bền vững và hợp pháp. |
Thanh Thanh t/h