Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 18:04 GMT+7

Sản xuất bền vững

Triển vọng ngành công nghiệp hydro và bước đi của PetroVietnam

03/09/2021

Nắm bắt xu hướng và cơ hội chuyển dịch năng lượng xanh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển năng lượng hydro.
Hydro được coi là nguồn năng lượng không phát thải có thể thay thế hiệu quả cho các nguồn nhiên liệu hoá thạch đang ngày càng cạn kiệt. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, ngành công nghiệp xanh này bước vào giai đoạn nở rộ trên phạm vi toàn cầu. Nắm bắt xu hướng này, PetroVietnam đã bắt đầu có những bước đi đầu tiên nhằm xây dựng chiến lược phát triển nguồn năng lượng hydro.
Nhu cầu ngành công nghiệp hydro toàn cầu
Dự đoán, nhu cầu sử dụng hydro năng lượng vào vào giữa thế kỷ này sẽ tăng 500-800 triệu tấn một năm, chiếm 15-20% tổng nhu cầu năng lượng.
Hydro là nguyên tố phổ biến thứ 3 trên Trái đất. Qua khai thác các nguồn nguyên liệu sơ cấp như nước hoặc các hợp chất hydrocacbon, nó có thể trở thành nhiên liệu thay thế cho xăng, dầu. Khi hydro cháy, sản phẩm phụ duy nhất là nước. Đó là lý do tại sao đây được coi là nguồn năng lượng không phát thải rất hấp dẫn.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia hướng tới kinh tế xanh như một trong những trọng tâm phát triển, nhu cầu sử dụng hydro thay thế các nguồn nhiên liệu hoá thạch được dự báo sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới. Theo dự báo của Liên minh quốc tế các nhà điều hành ngành năng lượng ETC, vào giữa thế kỷ này nhu cầu sử dụng hydro sẽ tăng 500-800 triệu tấn một năm, chiếm 15-20% tổng nhu cầu năng lượng, từ mức 115 triệu tấn hiện nay.
Các nền kinh tế lớn đang nỗ lực phát triển nền công nghiệp hydro nhằm đáp ứng nhu cầu này. Đức đã công bố dự kiến đầu tư 90 tỷ Euro vào ngành công nghiệp năng lượng xanh trong nỗ lực trung hoà cacbon vào năm 2050. Chính phủ Nhật Bản cũng đã và đang nỗ lực tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có hydro, nhằm thay thế điện hạt nhân sau sự cố Fukushima năm 2011.
Bất chấp các khó khăn về công nghệ và tài nguyên, Hàn Quốc vẫn quyết tâm đặt mục tiêu trở thành cường quốc trong ngành công nghiệp hydro. Mục tiêu của chính phủ nước này là cung cấp 2,9 triệu phương tiện thủy điện thương mại và tư nhân vào năm 2040 và mở rộng nguồn cung cấp hydro hàng năm lên 5,26 triệu tấn. Để đạt được điều này, các chuyên gia cho rằng cần hình thành các liên minh hydro thông qua hợp tác quốc tế để đảm bảo nguồn cung cấp hydro ổn định và khả năng cạnh tranh.
Bước đi của PetroVietnam
Hydro được xác định là nguồn nhiên liệu quan trọng cho các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế và cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của PetroVietnam.
Trước xu hướng đó, PetroVietnam đã có những động thái nhằm chuẩn bị, tạo cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp hydro toàn cầu trong thời gian sớm nhất có thể. Theo Chủ tịch HĐTV PetroVietnam ông Hoàng Quốc Vượng, mặc dù lĩnh vực hydro “xanh” còn nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề giá thành, nhưng được xác định là nguồn nhiên liệu quan trọng cho các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế và cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Chính vì vậy, chủ trương của PetroVietnam là tập trung nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ nhằm khai phá các tiềm năng phát triển của ngành. Mục tiêu hướng tới có thể sản xuất quy mô thương mại từ sau năm 2030.
Theo nội dung trao đổi tại toạ đàm về xu hướng phát triển và triển vọng ngành công nghiệp hydro, trong quá trình khai thác thăm dò đã xác định một số khu vực có tiềm năng khai thác hydro tự nhiên. Trong đó đáng kể nhất là các khu vực quanh vùng hoạt động núi lửa, bể trầm tích tạo than, thành tạo móng granite… Ngoài ra, tổng hợp từ nguyên liệu hydrocacbon trong quá trình sản xuất công nghiệp (khí tự nhiên, than, sinh khối…) cũng là một nguồn sản xuất hydro cần tận dụng.  
Với những tiềm năng trên, PetroVietnam xác định nhanh chóng tiếp cận, tham gia vào xu hướng phát triển ngành công nghiệp hydro với những bước đi cụ thể. Các nhiệm vụ trước mắt gồm nhanh chóng tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược, chính sách tạo khung pháp lý cho việc phát triển năng lượng hydro. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, tiếp cận các công nghệ mới trong chuỗi sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng hydro. Đồng thời, nghiên cứu xu thế phát triển hydro trên cơ sở đặc thù ngành và lợi thế sẵn có của Việt Nam. Trong đó tập trung xác định có hay không các mỏ/vỉa hydro tự nhiên; nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị hydro, đặc biệt chuỗi năng lượng tái tạo – hydro - pin nhiên liệu/sản xuất điện - sản xuất các sản phẩm hóa dầu (đạm, amoniac, methanol...).
Dựa trên kinh nghiệm trong thiết kế và chế tạo công trình biển đã tích lũy qua nhiều năm, PetroVietnam tập trung triển khai các dự án điện gió ngoài khơi nhằm tạo tiền đề để phát triển năng lượng hydro, trong đó cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể để đảm bảo đến năm 2030 PetroVietnam đạt sản lượng 1.400 MW điện gió ngoài khơi.
Đây có thể coi là động thái tích cực của PetroVietnam nhằm nắm bắt xu hướng kịp thời tạo cơ hội cho sự phát triển ngành công nghiệp hydro. Thông qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu sản xuất bền vững của nền kinh tế nước ta.
Tấn Thành