Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:07 GMT+7

Sản xuất bền vững

Canh tác đầu vào thấp tạo hiệu quả sản xuất bền vững

04/05/2021

Canh tác đầu vào thấp nghĩa là hạ giảm chi phí sản xuất nông sản là chính và nếu có thể nâng cao giá trị đầu ra của nông sản giúp tạo thu nhập bền vững cho nông dân.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp tăng hiệu quả sản xuất.
Trái với canh tác kỹ thuật cao đòi hỏi khoản đầu tư lớn về trang thiết bị và tư vấn kỹ thuật mà không phải ai cũng có thể thực hiện được, đặc biệt, với canh tác nông nghiệp bằng kỹ thuật cao, yếu tố kỹ thuật phải thích ứng với yếu tố tự nhiên như sinh lý cây con, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng… đòi hỏi phải được thực hiện chính xác và đồng bộ theo một quy trình được tính toán trước. Ai cũng biết khi đã thực hiện các kỹ thuật trồng cây mà vẫn xảy ra rủi ro tổn thất do những tác động của tự nhiên vốn là thứ mà chúng ta khó kiểm soát được. Đa số nông dân không dễ dàng thực hiện ngay phương pháp canh tác kỹ thuật cao trong lúc này và ít ra là cả ở tương lai gần.
Trước vấn đề này, để tồn tại trong một thị trường nông sản cạnh tranh quyết liệt trong thời gian sắp tới, người nông dân cần phải cải tiến việc canh tác với chi phí sản xuất thấp (đầu vào thấp) trong khi chưa thể nâng cao giá trị nông sản (đầu ra) bằng cách nhắm đến các giải pháp:
Giải pháp canh tác tự nhiên về giống cây và kỹ thuật canh tác hữu cơ
Giúp nâng cao giá trị đầu ra của nông sản, lấy thí dụ trồng cây đặc sản, chế biến sản phẩm truyền thống từ nông sản thay vì xuất khẩu thô nhằm giảm bớt hao hụt và chi phí bảo quản, tồn trữ. Giống cây trồng phải chọn phù họp với thổ nhưỡng và khí hậu, đặc biệt là tính chịu hạn, gia tăng sử dụng các nguồn phân hữu cơ và giải pháp sinh học.
Giải pháp tiết kiệm - 3 yếu tố chính: năng lượng, phân bón, nước tưới
Giúp hạ giảm chi phí sản xuất nông sản đồng nghĩa hạ thấp giá trị đầu vào. Để giảm thiểu các chi phí, có thể khái quát các cách sau:
* Giảm năng lượng tiêu tốn: nhiên liệu vận hành máy móc vốn gốc xăng dầu nên giảm thiểu đòi hỏi các biện pháp hoàn thiện về kỹ thuật máy móc nông nghiệp nhờ các xưởng cơ khí vệ tinh trong vùng.
- Nông dân có thể giảm chi phí năng lượng gián tiếp nhờ tận dụng các nguồn năng lượng tự nhiên như biogas khi ủ phân, năng lượng mặt trời cho phơi sấy, khí hóa phế phẩm nông nghiệp để chạy máy.
Các cách giảm chi phí năng lượng trong điều kiện người nông dân đều có thể làm được dựa theo tính toán hiệu quả từ khoản đầu tư thấp nhất cho cải tiến máy móc, lắp đặt thiết bị thu năng lượng tự nhiên… nhờ tận dụng những nguyên vật liệu có sẵn, rẻ tiền và phế phẩm nông nghiệp.
* Giảm lượng phân bón: có thể tiết giảm lượng phân bón sử dụng trong canh tác nhờ vào các biện pháp:
- Sử dụng bổ sung các nguồn phân hữu cơ, tiến đến thay thế hầu hết nhu cầu phân vô cơ.
- Có sự hỗ trợ tư vấn của nhà khoa học và có quy chuẩn sử dụng phân bón cho từng vùng đất.
- Với sự tiếp sức của nhà sản xuất phân bón, việc cung cấp cho nông dân các sản phẩm phân nhả chậm là nhu cầu có tiềm năng rất lớn cho nông nghiệp nước ta.
Nông dân có thể giảm chi phí năng lượng một cách gián tiếp nhờ tận dụng các nguồn năng lượng tự nhiên như biogas, nhiên liệu khí hóa từ phế liệu nông nghiệp, ánh sáng mặt trời…
* Giảm lượng nước tưới: có thể tiết giảm lượng nước sử dụng trong canh tác nhờ vào các biện pháp: cải thiện hệ thống tưới như tưới thấm, nhỏ giọt hay tưới nền cứng…; có lập trình đơn giản thời gian tưới như tưới lúc 10 giờ sáng và 4 giờ chiều, tương ứng với chu kỳ sinh trưởng đồng hóa của cây cối; quan trọng nhất là cải thiện khả năng giữ ẩm của đất nhờ bổ sung lượng nhỏ các chất siêu hút ẩm mà hiện nay đã sản xuất trong nước nhiều từ nguyên liệu nhập hay các chất tự nhiên có sẵn trong nước. Các chất này giúp duy trì lượng nước trong đất một thời gian dài không bị trôi đi hay bốc hơi.
Theo Báo Khoa Học Phổ Thông