Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:11 GMT+7

Tin hoạt động

Lâm Đồng: Hỗ trợ vốn có thu hồi - Kinh nghiệm hay từ khuyến công

07/11/2014

Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, chương trình hỗ trợ vốn có thu hồi được khuyến công Lâm Đồng được bắt đầu triển khai từ năm 2004. Sau 3 năm thí điểm, Lâm Đồng đã tập trung kinh phí khuyến công địa phương hàng năm thực hiện hình thức hỗ trợ này. Theo đó, từ năm 2004 - 2014, khuyến công Lâm Đồng đã thực hiện 136 đề án hỗ trợ có thu hồi với tổng kinh phí gần 33 tỷ đồng.


Cũng theo Sở Công Thương Lâm Đồng, mục đích của hình thức hỗ trợ vốn có thu hồi nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư phát triển sản xuất. Và chỉ khi doanh nghiệp có đề án đầu tư cho phát triển sản xuất thì mới được hỗ trợ một phần kinh phí. Mức hỗ trợ căn cứ trên tổng mức đầu tư của đề án và chủ yếu hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị, thời gian hỗ trợ từ 3-5 năm.


Thực tế những năm qua, khuyến công Lâm Đồng đã ưu tiên hỗ trợ vốn có thu hồi cho các đề án phát triển sản xuất thuộc các ngành công nghiệp chế biến sâu, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông-lâm sản, chế biến thực phẩm. Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, thông qua tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: chè, cà phê, rau…


Khuyến công Lâm Đồng cũng đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, xuất khẩu. Hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, giai đoạn 2010-2014, khuyến công Lâm Đồng đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các đề án, doanh nghiệp tại các địa phương xây dựng chương trình nông thôn mới với tổng kinh phí hỗ trợ 7,898 tỷ đồng, 33 đề án đã được triển khai.


Theo đánh giá của Sở Công Thương Lâm Đồng: Trong bối cảnh các doanh nghiệp CNNT chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa hình thức hỗ trợ có thu hồi đã giải quyết một phần khó khăn về vốn cho các cơ sở. Thông qua hình thức hỗ trợ vốn có thu hồi, tỉnh cũng đã hình thành được “quỹ khuyến công” với nguồn vốn khá lớn nằm tại các doanh nghiệp. Và việc thu hồi được thực hiện dần hàng năm nên nguồn vốn của khuyến công tiếp tục được quay vòng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác.


Hơn nữa, thông qua hình thức hỗ trợ có thu hồi, kinh phí hoạt động khuyến công hàng năm được bổ sung rất đáng kể. Cụ thể năm 2014, kinh phí khuyến công địa phương được ngân sách cấp 3,6 tỷ đồng, nhờ thực hiện hình thức hỗ trợ có thu hồi được bổ sung thêm trên 4 tỷ đồng từ thu hồi các đề án hỗ trợ những năm trước. Như vậy, năm 2014 khuyến công Lâm Đồng có tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng để hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp.


Để phát huy hơn nữa hiệu quả của hình thức hỗ trợ vốn có thu hồi, thu hút hơn nữa sự tham gia, thụ hưởng của các cơ sở CNNT, Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Lâm Đồng sẽ huy động và phối hợp tốt giữa các nguồn vốn để thực hiện chương trình khuyến công hàng năm. Thực hiện chính sách hỗ trợ vốn không thu hồi tối đa 35% và hỗ trợ có thu hồi tối thiểu 65% tổng kinh phí khuyến công hàng năm từ ngân sách địa phương để hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.


Cùng với các giải pháp khác, việc thực hiện hỗ trợ có thu hồi thông qua hoạt động khuyến công sẽ góp phần giúp Lâm Đồng thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Bảo Ngọc