Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:24 GMT+7

Tin hoạt động

Công ty cổ phần cao su Phước Hòa: Ví dụ điển hình về áp dụng sản xuất sạch hơn

31/10/2014

Nhà máy Cuaparis là một trong 3 nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cổ phần cao su Phước Hòa, chuyên sản xuất mủ khối và mủ tạp với công suất 18.000 tấn/năm. Nguồn năng lượng được sử dụng chính tại nhà máy là điện, nước và dầu DO. Nước được sử dụng chủ yếu tại các quá trình xử lý mủ, đánh đông mủ trong mương, cán kéo, quá trình cán tờ và băm tinh. Đối với quy trình sản xuất mủ tạp, một lượng nước lớn còn được sử dụng để rửa mủ. Điện được sử dụng tại hầu hết quy trình như: Xử lý mủ, đánh đông, cán kéo, cán tờ, băm tinh, sấy, làm nguội. Dầu DO chủ yếu được sử dụng cho công đoạn sấy.

Thực hiện SXSH tại nhà máy

Năm 2011, Nhà máy đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn Phát triển công nghiệp Bình Dương tiến hành đánh giá nhanh SXSH toàn công ty. Các hoạt động bao gồm lập đội SXSH, đào tạo và giới thiệu khái niệm SXSH, và thảo luận các các vấn đề cải tiến với toàn thể cán bộ, công nhân. Công ty đã xác định các tiêu điểm chính trong việc thực hiện SXSH, đó là: (1) Thiết lập quy trình sản xuất sạch cho các khâu sản xuất, (2) Đặt ra kế hoạch SXSH và đánh giá kết quả thực hiện hàng tháng, (3) Biểu dương các cá nhân có những sáng kiến cải tiến thiết thực.

Một số biện pháp SXSH đã áp dụng và hiệu quả

Nhà máy đã áp dụng một số biện pháp nhằm tiết kiệm nguyên liệu, tiết giảm nước và năng lượng sử dụng và đạt được kết quả như sau:

Tiết kiệm nguyên liệu
Trước đây, sau khi rửa các thùng đựng mủ, lượng mủ dư thừa sẽ theo dòng nước ngấm xuống đất gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Ý thức được điều này, nhà máy đã có cải tiến xây nền rửa mủ. Để giữ nền sạch sẽ và mủ tận thu không bị lẫn nhiều chất bẩn, công nhân phải rửa sạch giày, dép khỏi đất cát trước khi vào khu vực rửa. Nước rửa được dẫn theo kênh đi vào hầm tận thu qua hố ga có lưới chắn rác. Sau 15-20 ngày, công nhân sẽ vớt mủ đông trong hầm và bán cho các cở sở sản xuất giày dép hay vật dụng khác không cần sử dụng cao su chất lượng cao. Việc làm này giúp nhà máy tận dụng hết lượng cao su và có thêm nguồn thu. Ngoài ra, sau công đoạn đánh đông, nhận thấy tỷ lệ mủ trong nước thải vẫn còn cao, nhà máy tiếp tục tận thu tối đa bằng cách thu gom dưới dạng mủ tạp ở bể lắng trước khi xử lý nước.

Tiết kiệm nước
Các biện pháp tiết kiệm nước đã được thực hiện gồm

- Tận dụng nước rửa từ mương đánh đông cao su để rửa mủ tạp.

- Tận dụng nước trong mương cũ để cho nổi mủ trong mương mới trong quá trình cán kéo.

- Sau khi qua máy cán kéo mủ được chuyển đến máy cán 1, 2, 3 bằng băng tải. Trong khi cán có nước tưới vào giữa hai trục cán để giảm acid trong mủ và rửa sạch tạp chất trong mủ, nước rửa có tốc độ mạnh, nhiều vòi xịt nhỏ để rửa tạp chất.

- Trước đây, trong dây chuyền sản xuất mủ tạp, mủ đông và mủ chén sau khi cán xé được khoáy rửa 3 lần trong các bồn diện tích lớn. Việc làm này gây lãng phí nước và hiệu quả rửa không cao do lượng mủ nhiều. Hiện nay, nhà máy đã thay thế các bồn diện tích lớn bằng băng tải dẫn mủ vào khu vực băm có phối hợp phun nước để loại bỏ đất, cát.

          


Tiết kiệm điện


- Hạn chế tối đa máy móc, thiết bị chạy không tải

- Thường xuyên kiểm tra và sửa chữa các cầu dao, automat, các mối nối, kiểm tra rò rỉ điện, chập điện…

- Tất cả các bộ phận, khu vực sử dụng điện đều lắp đặt cầu dao tổng để khi hết giờ hoặc nghỉ hoạt động phải cúp cầu dao tổng.