Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:20 GMT+7

Sản xuất bền vững

Một số khó khăn trong quá trình thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia ở Việt Nam

02/11/2020

Sau gần 8 năm kể từ khi phê duyệt, có thể nói, việc thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh đến nay đã đi đúng hướng, triển khai khá toàn diện và đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng cơ chế, chính sách cũng như thu hút sự chủ động tham gia của các bộ ngành, địa phương nhằm đưa tăng trưởng xanh vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực cốt yếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh còn gặp phải một số những khó khăn, làm cản trở việc hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Chiến lược. Cụ thể một số khó khăn chính bao gồm:
1. Khung chính sách liên quan tới thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh chưa được hoàn thiện, thống nhất và rõ ràng
Thứ nhất, bộ tiêu chí sử dụng để lập kế hoạch, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh (TTX) ở cấp quốc gia, ngành, địa phương là đặc biệt cần thiết nhưng chưa được ban hành. Hiện nay, có nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược TTX chưa được thể chế hóa, tức là chưa có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê hoặc chưa có hướng dẫn về khái niệm, cách tính toán, phương pháp thu thập số liệu và chế độ báo cáo của cơ quan thẩm quyền. Điều này gây khó khăn trong việc đánh giá kết quả thực hiện của Chiến lược TTX.
Thứ hai, trong các văn bản hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm và hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công 5 năm, hàng năm, phần hướng dẫn về BÐKH và TTX chỉ mang tính chất định hướng, chưa có nội dung hướng dẫn các mục tiêu và chỉ tiêu TTX cụ thể; thiếu hướng dẫn về các giải pháp, cân đối nguồn lực thực hiện Chiến lược TTX.
Thứ ba, hiện nay, Luật Đầu tư công chưa qui định cụ thể yêu cầu về sử dụng các tiêu chuẩn, qui chuẩn “xanh” vào lập hồ sơ dự án đầu tư cũng như chưa qui định việc thẩm định xu hướng TTX của các dự án đầu tư công trong quy trình lập, thẩm định và quyết định đầu tư.
Thứ tư, một số lĩnh vực được đề cập trong Chiến lược TTX như năng lượng tái tạo, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững chưa có khung chính sách và pháp luật hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực TTX, bảo vệ môi trường (hỗ trợ vốn, đất đai, miễn giảm thuế, phí) cũng chưa cụ thể nên chưa có tác dụng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư với quy mô lớn. Hiện Chính phủ chỉ mới khuyến khích tiêu dùng sản phẩm sạch và xanh, chưa có chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp sản xuất xanh.
Cuối cùng, sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong các chính sách liên quan đến triển khai thực hiện Chiến lược TTX như Chiến lược phát triển bền vững hay Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu về các mục tiêu và nội dung nhiệm vụ thực hiện của các chiến lược này hầu như trùng lặp, tương tự nhau về các vấn đề giảm phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng xanh. Điều này dẫn đến việc tổ chức thực hiện chồng chéo, nguồn lực về nhân lực, tài chính và tài nguyên bị phân tán cho nhiều mục tiêu, dàn mỏng, hiệu quả không cao.
2. Nguồn lực tài chính cho thực hiện Chiến lược TTX còn hạn chế
TTX đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án đầu tư cho đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở… nhằm phục vụ việc triển khai thực hiện Chiến lược. Trong khi đó, nguồn lực trong nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước cho TTX là rất hạn chế. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu đề ra là vào năm 2020 giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% so với mức năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1-1,5% mỗi năm, Việt Nam cần tới 30 tỷ USD; trong đó 70% sẽ huy động từ khu vực ngoài nhà nước. Đây là một khó khăn lớn, vì nước ta còn thiếu các cơ chế, chính sách huy động nguồn tài chính, đặc biệt là các quỹ quốc tế. Hơn nữa, việc thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho lĩnh vực này cũng không đơn giản.
Ngoài ra, nguồn lực công của Việt Nam đang bị phân tán cho rất nhiều mục tiêu ưu tiên khác nhau nên phần dành cho TTX hiện rất hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa rơi vào tình trạng thiếu nguồn lực tài chính để chuyển đổi mô hình sản xuất, trong khi họ lại ít hoặc không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm xanh.
3. Nhận thức về sự cần thiết thực hiện TTX và nội dung của Chiến lược TTX còn hạn chế
Một là, nhiều bộ, ngành và địa phương, nhất là một số đơn vị được phân công chủ trì các hoạt động cụ thể của Chiến lược TTX nhưng còn thụ động, chưa coi trọng việc cụ thể hóa chiến lược quốc gia về TTX, và chưa xác định đây là một nhiệm vụ bắt buộc cần được ưu tiên hàng đầu. Chỉ có một số đơn vị trực tiếp tham gia thí điểm xây dựng và triển khai kế hoạch hành động TTX là nắm được về tinh thần và nội dung TTX của quốc gia và đơn vị mình, nhu cầu cần phải thực hiện TTX và những hành động cụ thể.
Hai là, các hoạt động thực hiện Chiến lược mới dừng ở quy mô cấp quốc gia, ngành, tỉnh, thành phố, chưa triển khai sâu xuống các cấp cơ sở. Tại một số địa phương đã có xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược nhưng chỉ dừng ở mức phê duyệt và ban hành, chưa đi vào thực hiện. Phần lớn địa phương chưa đề ra được nhóm giải pháp chi tiết, khả thi và phù hợp với điều kiện hiện có. Do vậy, kết quả thực hiện Chiến lược không được thể hiện rõ ràng, không đạt được như kỳ vọng khi xây dựng kế hoạch hành động.
Ba là, nhiều doanh nghiệp hiện chưa có nhận thức sâu sắc về vai trò của TTX. Theo khảo sát Khuynh hướng tiêu dùng xanh năm 2017 của tổ chức Vibiz, 70% doanh nghiệp chưa biết đến chứng nhận Xanh Việt Nam, hơn 51% doanh nghiệp không quan tâm tới biến đổi khí hậu và 62% không sẵn lòng đầu tư cho các sản phẩm xanh. Họ thường cho rằng đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh khiến chi phí sản xuất bị gia tăng mà chưa nhận thức được lợi ích và tác động tích cực, lâu dài của TTX. Đây là một thách thức khá lớn cho quá trình thực hiện Chiến lược TTX tại Việt Nam.
Bốn là, nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về các sản phẩm xanh vẫn còn hạn chế. Các sản phẩm dán nhãn môi trường cũng như cách nhận biết sản phẩm xanh còn chưa được rõ ràng và phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, ý thức việc chủ động tham gia vào các hoạt động nhằm tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên như tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng còn hạn chế.
4. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thực hiện TTX còn yếu
Công tác tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực cho TTX còn yếu, chưa được triển khai rộng rãi, nhất là cho các đối tượng quản lý nhà nước ở cấp địa phương, người đứng đầu các tổ chức và doanh nghiệp cũng như cộng đồng. Bởi lẽ, Chiến lược TTX cần sự tham gia tích cực, trực tiếp của doanh nghiệp, đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò định hướng, có các giải pháp hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động phục vụ lợi ích TTX.
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang trên con đường lựa chọn xu hướng đầu tư theo hướng sản xuất sạch. Nhiều mô hình đầu tư, sáng kiến ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất, cải thiện hiệu quả năng lượng chưa được tiếp cận phổ biến… Do vậy, các mô hình này cần phải được tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và nhân lực nhằm cổ vũ cho những nỗ lực của doanh nghiệp và nhân rộng để nhiều doanh nghiệp biết đến.
Mặc dù còn nhiều thách thức và khó khăn, song cơ hội và triển vọng thực hiện Chiến lược TTX tại Việt Nam là rất lớn. Một trong những việc Việt Nam phải làm trước mắt là cần xác định các nguồn lực “xanh” để tăng trưởng dựa trên kinh nghiệm thực hiện thành công TTX ở các nước, bao gồm nắm bắt cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ xanh mới. Song song với đó, cần thay đổi nhận thức căn bản về TTX đối với doanh nghiệp và cộng đồng – thành phần đóng vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện Chiến lược TTX thành công nói riêng và mô hình TTX hướng tới phát triển bền vững nói chung.
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc Gia