Hưởng ứng chủ trương của tỉnh và cũng nhằm mục đích giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động cải tiến trang thiết bị, sử dụng nguyên vật liệu, nhân lực theo hướng tiết kiệm, bền vững.
Sản xuất sợi tại Công ty CP Dệt Texhong (H.Nhơn Trạch). Ảnh:H. Lộc
Sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ
Từ vị trí một “ông lớn” trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, những năm 2000, Công ty Cargill Việt Nam (TP.Biên Hòa) lấn sân sang lĩnh vực chế biến nông sản. Thời kỳ đầu, công ty sử dụng nguồn nguyên liệu (đậu nành, ca cao, cà phê) nhập từ các nước châu Phi, Bắc Mỹ. Về sau, công ty hợp tác với nông dân trong nước để phát triển các dự án trồng cây ca cao, đậu nành. Công ty hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, phân bón và bao tiêu đầu ra cho nông dân với mức giá tốt. Theo chia sẻ của công ty, sự hợp tác này không chỉ đem lại lợi ích cho người nông dân, phát triển bền vững ngành nông nghiệp mà còn giúp công ty thu mua được nguồn nguyên liệu chất lượng tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển, giá thành.
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho rằng, từ năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành quy định trong thu hút đầu tư các dự án vào Đồng Nai là phải có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Những dự án ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm cao đều bị từ chối. Hiện nay, tỉnh đang khuyến khích các DN hoạt động lâu năm đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất nhằm hạn chế tác động môi trường nước, không khí; liên kết với các DN trong nước thu mua nguyên vật liệu, phát triển công nghiệp phụ trợ; ưu tiên thu hút các DN sử dụng công nghệ cao, DN có lịch sử chấp hành tốt quy định về môi trường.
Liên quan đến chiến lược sản xuất sạch, phát triển bền vững, công ty này đặt mục tiêu giảm 30% khí thải nhà kính từ các chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm phát sinh chất thải đồng thời thu hồi và tái chế các loại bao bì; hỗ trợ nông dân tiết kiệm nước tưới, sản xuất và chăn nuôi an toàn, hiệu quả. Bà Ruth Kimmelshue, Giám đốc Phát triển bền vững của Cargill, cho biết: “Cargill tiếp tục có những hành động quyết liệt nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, có đổi mới dây chuyền và công nghệ để tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng các phụ phẩm từ công nghiệp chế biến nông sản làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; hợp tác và giúp những người nông dân phát triển ngành nông nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng tới khí hậu, tái sinh đất đai và cải thiện khả năng sử dụng nguồn tài nguyên nước”.
Đi vào hoạt động từ năm 2007, Công ty CP Dệt Texhong (thuộc Tập đoàn Texhong Trung Quốc) đang có sự thay đổi trong chiến lược sản xuất kinh doanh. Bà Châu Bá Cầm, Tổng giám đốc công ty cho biết, sản phẩm chủ yếu của công ty là sợi dẻo, sợi đốt tre dùng trong ngành dệt may, da giày. Sản lượng trung bình mỗi năm công ty sản xuất khoảng 450 ngàn cọc sợi các loại, tương đương khoảng 300 ngàn tấn, chiếm 40% sản lượng sợi cả nước. Để thực hiện chiến lược phát triển lâu dài, phấn đấu trở thành DN dệt sợi hàng đầu trong nước, công ty đã và đang liên kết với các DN, nhà cung ứng nguyên vật liệu trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng khả năng cạnh tranh và hưởng các ưu đãi về thị trường tiêu thụ, thuế quan liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Cùng với đó là phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhiều DN thuộc các ngành dệt may, da giày, gỗ, cơ khí khác cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên liệu có nguồn gốc trong nước. Đây vừa là cơ hội cho người nông dân, DN cung ứng sản phẩm vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị liên kết toàn cầu vừa giúp các “ông lớn” chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm chi phí giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, tăng lợi nhuận.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền
Để hướng tới mục tiêu sản xuất sạch, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch giao cho các sở, ban, ngành, địa phương và Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện như Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp với các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ DN đổi mới và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng hạ kỹ thuật phục vụ sản xuất sạch; Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Sản xuất giày tại Công ty CP Taekwang Vina industrial (TP.Biên Hòa). Ảnh:H. Lộc
Theo Sở Công thương, việc hỗ trợ DN áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đã được triển khai nhiều năm nay và đem lại hiệu quả tích cực trong sản xuất. Điển hình là: Công ty CP Bao bì Biên Hòa, Công ty CP Công nghiệp Tung Kuang; Công ty TNHH Meiwa Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng và trang trí nội thất số 7, Công ty TNHH Phi Dung, Công ty CP Sơn Đồng Nai, Công ty TNHH Nam Long, Công ty TNHH Hóa keo Kỹ thuật. Tính sơ bộ trong 5 năm qua, các DN đã tiết kiệm được trên 2,8 triệu kWh điện/năm; khoảng 312 tấn dầu/năm; hàng trăm tấn gas và giảm gần 2,8 ngàn tấn CO₂ phát thải ra môi trường.
Bên cạnh việc tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Sở Công thương còn khuyến khích các DN lắp đặt, sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời mái nhà cho sản xuất công nghiệp và bán lại cho ngành điện. Hỗ trợ các DN ngành dệt may ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất, nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải... góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hằng năm, sở có kế hoạch hỗ trợ từ 3-5 DN thay đổi công nghệ sản xuất và áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn.
Trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Công thương đặt mục tiêu: giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất (dệt may, đồ uống, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy; 5-10 DN áp dụng hình thức sản xuất và tiêu dùng bền vững; 50% các khu, cụm công nghiệp được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Theo bà Châu Bá Cầm, Tổng giám đốc Công ty CP Dệt Texhong, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất không chỉ nâng cao chất lượng cho sản phẩm, tiết giảm tối đa lao động, chi phí về mặt bằng, nhà xưởng, mà còn bố trí quản lý một cách khoa học, đặc biệt giải quyết được điểm yếu của ngành dệt nhuộm về môi trường nhờ triệt tiêu được lượng lớn khí thải, nước thải và chất thải rắn. Ngoài ra, công nghệ mới còn giúp DN rút ngắn phần lớn thời gian sản xuất, nhờ đó bắt kịp với xu hướng của thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm... Do đó DN đang và sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Việc thay đổi máy móc, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để tiết giảm các chi phí là tất yếu và DN nào cũng muốn thực hiện. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời gian, kinh phí, nguồn nhân lực và hạ tầng cho sản xuất sạch. Do vậy, nhiều DN mong muốn có quy chuẩn về sản xuất sạch, hoàn thiện hạ tầng về kỹ thuật, pháp lý để yên tâm đầu tư sản xuất sạch.
Hoàng Lộc