Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 14:35 GMT+7

Tin hoạt động

Tình hình thực hiện nhiệm vụ “Xanh hóa sản xuất” trong Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia

16/07/2020

Ngày 25/9/2012, Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu chung của Chiến lược là tăng trưởng xanh (TTX) tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó “xanh hóa sản xuất” là một trong ba nhiệm vụ củaChiến lược. Sau hơn 7 năm thực hiện, chủ trương xanh hóa sản xuất đã được triển khai rộng khắp cả nước và thu được những kết quả tích cực.
Tình hình sử dụng các loại tài nguyên và phát triển công nghiệp-nông nghiệp xanh
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên năng lượng
Về tỷ lệ năng lượng tiết kiệm: Nhờ các chương trình tiết kiệm năng lượng được cụ thể hóa từ Chiến lược TTX ở các cấp từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đã tiết kiệm được đáng kể nguồn năng lượng tiêu thụ trong quá trình sản xuất. Tỷ lệ năng lượng tiết kiệm giai đoạn 2011-2015 đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE)[1].
Về giảm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu và nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm: Tỷ trọng tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tương đối khả quan. Trong số 9.012 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên toàn quốc được khảo sát bởi Bộ Công Thương, có tới 34% doanh nghiệp áp có mức giảm tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm đạt từ 5% trở lên, 66% doanh nghiệp còn lại có mức giảm tiêu thụ năng lượng chưa rõ rệt hoặc dưới 5%. Việc tiết kiệm năng lượng này là do các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn (SXSH).
Về cường độ năng lượng và hiệu suất sử dụng năng lượng: Cường độ năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam giảm mạnh từ 392 kgOE/USDnăm 2010 xuống còn 261 kgOE/USD năm 2018 (Nguyễn Mạnh Hiến 2019). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm mạnh như: ngành thép giảm 8,09%, xi măng giảm 6,33%, dệt sợi giảm 7,32% giai đoạn 2011-2015. Kết quả này cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong các chính sách về tiết kiệm hiệu quả năng lượng, trong đó có Chiến lược TTX.
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn ngày càng được nhân rộng. Diện tích tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn của cả nước tăng theo từng năm, từ 115 nghìn ha năm 2015 lên 276 nghìn ha năm 2017. Trong các loại hình công nghệ tưới, diện tích được tưới phun mưa chiếm 79%, tưới nhỏ giọt chiếm 12%, nhà lưới, nhà kính chiếm 9%. Phần lớn công nghệ, thiết bị tưới có xuất xứ từ nước ngoài (Israel, Trung Quốc, Hàn Quốc…) và chỉ có phần nhỏ được sản xuất trong nước nhưng chủ yếu thông qua cải tiến, tích hợp công nghệ của nước ngoài. Việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như lượng phân bón từ 5-30% trong quá trình canh tác.
Phát triển công nghiệp xanh và nông nghiệp xanh
Ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2612/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược Sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với nội dung chính là đến năm 2020, 100% dự án đầu tư mới thuộc các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, như: dệt nhuộm; sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu; luyện thép; sản xuất giấy… phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch. Việc ban hành Chiến lược này là công cụ pháp lý quan trọng giúp đẩy mạnh việc thực hiện hợp phần về “phát triển công nghiệp xanh và nông nghiệp xanh” trong Chiến lược TTX. Nhờ đó, việc áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường trong ngành công nghiệp đến nay có sự chuyển biến tích cực.
Đánh giá một số chỉ tiêu liên quan trong nhiệm vụ Xanh hóa sản xuất​
Giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh[2] trong GDP
Theo tính toán, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần trong những năm qua. Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng sản phẩm ngành công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm 2011-2015 đạt 18,37%. Chiến lược TTX là cơ sở quan trọng giúp việc ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh mẽ ở các ngành, lĩnh vực ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã tích cực hỗ trợ chuyển giao công nghệ xanh, trợ giá cho đầu tư các dây chuyền công nghệ thân thiện với môi trường. Kể từ sau khi Chiến lược TTX ban hành, nhiều đề tài nghiên cứu theo hướng đổi mới, sáng tạo và áp dụng công nghệ xanh ở các ngành và địa phương đã được đặt hàng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như các công trình nghiên cứu về giống cây trồng và giống gia súc đã chọn lọc và phát triển, nhằm đảm bảo cho năng suất cao và chống được dịch bệnh, đồng thời cũng có khả năng thích ứng được với biến đổi môi trường sinh thái. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang phát triển nhiều công trình xanh, công nghệ xanh trong xây dựng để ứng phó với BĐKH; các công trình nghiên cứu vật liệu xây dựng, thiết kế kiến trúc, giải pháp thi công phù hợp với tiêu chuẩn “kiến trúc xanh”… Trong đó, xu hướng công nghệ xanh được nhiều công trình áp dụng là sử dụng sản phẩm “vật liệu xanh” và công nghệ pin năng lượng mặt trời.
Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường
Tình hình tuân thủ môi trường đối với các tổ chức và cá nhân trong nước ngày càng được thực hiện nghiêm túc. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước đang tích cực được xử lý triệt để ô nhiễm. Nhiều khu, cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường. Theo đó, tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ xả nước thải, khí thải đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường cải thiện đáng kể, tăng từ 54,1% năm 2011 lên 75,5% năm 2015 (Nguyễn Thế Chinh & Lại Văn Mạnh 2017). Đến năm 2020, tỷ lệ này hoàn toàn có thể đạt và thậm chí vượt mục tiêu đạt 80% được đề ra trong Chiến lược TTX.
Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ SXSH
Việc áp dụng công nghệ SXSH ở Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh kể từ khi Chiến lược TTX ban hành. Điều này một phần là do kế thừa thành quả đã đạt được của “Chiến lược áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” ban hành năm 2009. Các kết quả tích cực đạt được bao gồm:
Thứ nhất, tỷ lệ các Sở Công Thương có số cán bộ chuyên trách có đủ năng lực hướng dẫn SXSH trong lĩnh vực công nghiệp tương đối cao, đạt tỷ lệ 73% năm 2015. Những cán bộ này đã được đào tạo thực hành hướng dẫn doanh nghiệp và có hoạt động thực tế hướng dẫn doanh nghiệp tại địa phương.
Thứ hai, nhận thức của các doanh nghiệp về việc có biết đến SXSH cũng như lợi ích của áp dụng SXSH trong hoạt động sản xuất ngày càng được cải thiện. Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương đối với 9.012 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên toàn quốc, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về SXSH tăng từ 28% năm 2010 lên 55% năm 2015. Việc nhận thức này có mức độ khác nhau: từ việc có nghe nói đến SXSH đến việc thực hiện áp dụng SXSH và thu được lợi ích từ việc giảm mức tiêu thụ nguyên, nhiên liệu. Trong đó, 92% các doanh nghiệp biết đến lợi ích của SXSH đều nhận thức được SXSH đem lại lợi ích kinh tế và môi trường. Số còn lại (8%) nhận thức rằng, SXSH chỉ mang lại lợi ích môi trường cho doanh nghiệp.
Thứ ba, tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng công nghệ SXSH tăng từ 11% lên 32% giai đoạn 2010-2015. Trong đó, tỷ lệ cơ sở giảm được tiêu thụ năng lượng, nguyên và nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm nhờ áp dụng SXSH tăng từ 11% năm 2010 lên 24% năm 2015 và 8% số cơ sở chưa thu được lợi ích rõ rệt từ việc áp dụng SXSH. Như vậy, so với mục tiêu trong chiến lược TTX là tỷ lệ các cơ sở áp dụng công nghệ SXSH đạt hơn 50% đề ra cho năm 2020 là có thể đạt được.
Bảng 1: Kết quả khảo sát việc thực hiện một số chỉ tiêu liên quan đến sản xuất sạch hơn
Đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên[3]
Chiến lược TTX được coi là động lực khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của các khu vực tư nhân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, ngành dịch vụ môi trường3 và công nghiệp môi trường[4] có xu hướng ngày càng phát triển trong thời gian gần đây. Cụ thể, tỷ trọng của ngành dịch vụ môi trường trong GDP có xu hướng tăng lên. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế, quy mô thị trường dịch vụ môi trường của Việt Nam đạt khoảng 30 tỷ USD năm 2015 và có xu hướng tăng liên tục với tốc độ trên 8%/năm. Tuy nhiên, hiện trạng dịch vụ môi trường của Việt Nam được đánh giá còn sơ khai, mới chỉ định hình rõ và phát triển ở lĩnh vực chất thải và nước thải với sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước. Đối với ngành công nghiệp môi trường: Kể từ sau khi Chính phủ phê duyệt “Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025”, ngành công nghiệp này ở Việt Nam đã có những bước khởi sắc đáng ghi nhận dù trong thời gian ngắn.
Tài liệu tham khảo:
Luật Bảo vệ môi trường 2014
Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia 2012
[1] Theo Viện Năng lượng- Bộ Công Thương.
[2]Công nghệ xanh: “Là công nghệ phát triển, áp dụng sản phẩm, trang bị và những hệ thống được dùng để bảo tồn môi trường và tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động của con người”.
[3]Cho tới nay chưa có một định nghĩa thống nhất về dịch vụ môi trường mà chủ yếu dựa vào danh mục phân loại được hình thành từ hoạt động bảo vệ môi trường, có thể gồm: dịch vụ về nước thải; dịch vụ giảm khí thải; dịch vụ bảo vệ thiên nhiên và cảnh quan…
[4]Công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường (Luật Bảo vệ môi trường, 2014).