Những năm qua, hoạt động khuyến công của Bắc Ninh, đặc biệt là các chương trình đào tạo nghề đã tạo động lực khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương…
Việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người lao động luôn được Khuyến công Bắc Ninh tổ chức theo nguyên tắc phối hợp 3 bên: cơ quan quản lý – doanh nghiệp – người lao động, trong đó, doanh nghiệp là đối tượng tuyển và bao tiêu sản phẩm cho người lao động. Do đó, bên cạnh việc doanh nghiệp chủ động trong công tác đào tạo, có được nguồn nhân lực chất lượng cao, người lao động còn được bảo đảm đầu ra, sống được bằng nghề sau đào tạo. Thực tế, có đến 70% lao động sau học nghề đã được doanh nghiệp tuyển dụng, số còn lại làm việc tại gia đình với thu nhập từ 1,5-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2008 đến nay đã có gần 14 ngàn lao động được đào tạo nghề nhờ các đề án khuyến công. Cụ thể: giai đoạn (2008-2012), Khuyến công Bắc Ninh đã dành tới 12,435/19,953 tỷ đồng trong tổng kinh phí khuyến công của cả giai đoạn cho hoạt động đào tạo nghề; đã có 12.600 lao động nông thôn, lao động tại các làng nghề được truyền nghề, đào tạo nâng cao tay nghề.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh tiếp tục tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cao cho các DN hoạt động trong lĩnh vực: may xuất khẩu, gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, sản xuất sản phẩm mây, tre đan… Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với Công ty CP thảm may Bắc Ninh, Công ty CP thời trang quốc tế Thuận Thành… tổ chức 10 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 300 lao động. Trung tâm cũng đã phối hợp với phòng Công Thương, Kinh tế, các DN, hợp tác xã tổ chức 20 lớp đào tạo nghề cho 600 lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh…
Năm 2014, mặc dù kinh phí hạn hẹp, Trung tâm vẫn tiếp tục xây dựng đề án và triển khai các khóa đào tạo nghề. Ngay sau khi có Quyết định số 281/QĐ-UBND ngày 3/4/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt chương trình khuyến công năm 2014, Trung tâm đã phối hợp với Công ty Sản xuất và Thương mại Đại Thủy tổ chức lớp học nghề cơ khí. Cuối tháng 6 vừa qua, Trung tâm cũng phối hợp với Công ty TNHH MTV DHA khai giảng 5 lớp học nghề may công nghiệp cho 150 học viên. Sau khóa học này các học viên đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ và được tuyển dụng vào làm tại Công ty.
Thực tế cho thấy, các chương trình đào tạo nghề của khuyến công đã và đang từng bước giúp Bắc Ninh giải bài toán nhân lực. Cùng với các đề án nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; ứng dụng máy móc thiết bị; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn… hoạt động khuyến công đã và đang trở thành người bạn đồng hành của doanh nghiệp góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.